Ngành xi măng sẽ có cơ hội mở rộng sang các thị trường tiềm năng

Thị trường
03:19 PM 05/03/2025

Năm 2025, xuất khẩu xi măng và clinker có thể duy trì ở mức tương đương năm 2024, nhưng xu hướng đang dần dịch chuyển sang các khu vực Mỹ, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu xi măng, clinker trong tháng 1/2025 đạt hơn 2 triệu tấn, thu về 76 triệu USD, giảm lần lượt 36,7% về lượng và giảm 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Ngành xi măng sẽ có cơ hội mở rộng sang các thị trường tiềm năng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, xuất khẩu xi măng sẽ hồi phục chậm trong năm 2025, đạt khoảng 27,1 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ nhờ nguồn cung bất động sản được kỳ vọng hồi phục trên diện rộng, khi các biện pháp tháo gỡ pháp lý sẽ bắt đầu tác động vào thị trường. Dự kiến mức hồi phục trên sẽ chỉ bắt đầu từ quý II/2025.

Về thị trường xuất khẩu, dự báo những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia… sẽ tiếp tục giảm nhập xi măng, clinker từ Việt Nam. Ngành xi măng sẽ có cơ hội mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác. 

Năm 2025, xuất khẩu xi măng và clinker có thể duy trì ở mức tương đương năm 2024, nhưng xu hướng đang dần dịch chuyển sang các khu vực Mỹ, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi.

Một số doanh nghiệp xi măng lớn tại Việt Nam cũng đang đàm phán để mở rộng thị trường tại Ấn Độ và Trung Đông, nơi nhu cầu xây dựng vẫn đang tăng cao.

Theo chuyên gia ngành vật liệu xây dựng, nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường mới, tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành xi măng Việt Nam vẫn có thể duy trì vị thế xuất khẩu hàng đầu thế giới trong thời gian tới.

Với sản lượng hơn 110 triệu tấn/năm, Việt Nam hiện là cường quốc sản xuất xi măng đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. 

Bên cạnh những cơ hội của ngành, ngành xi măng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trước hết, dự báo công suất sẽ vượt xa nhu cầu tiêu thụ. Hiện tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng đạt 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 65 triệu tấn.

Cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 106 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng thực tế có thể lên tới 122 triệu tấn/năm. Điều này dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, đồng thời buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung, thậm chí có những dây chuyền bị dừng dài hạn.

Tiếp theo là xuất khẩu gặp khó vì chính sách bảo hộ. Dù xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ xi măng dư thừa, nhưng thị trường quốc tế ngày càng có nhiều rào cản.

Mặc dù thị trường xuất khẩu chính gặp nhiều khó khăn, ngành xi măng Việt Nam vẫn có cơ hội vươn xa. Vừa qua, Thủ tướng Chỉnh phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker, xi măng, vì hiện nay, mức thuế suất xuất khẩu clinker xi măng đang ở mức 10%, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh tiêu thụ trong nước suy giảm, xuất khẩu gặp khó khăn do chi phí tăng cao và cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp tìm được hướng đi phù hợp trên thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi, ngành xi măng có thể tiếp tục đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam, duy trì mức doanh thu hàng tỷ USD từ xuất khẩu.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn