Ngày càng nhiều hãng kinh doanh nhà hàng đầu tư vào startup công nghệ

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:41 PM 07/04/2021

Các đơn vị kinh doanh nhà hàng thường "tụt hậu" về công nghệ so với các ngành khác, họ có xu hướng đầu tư vào các mảng đem đến lợi ích rõ ràng như các dịch vụ, thực phẩm... hơn là đầu tư vào các mảng công nghệ chưa chứng minh được giá trị. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm thay đổi điều này, các thương hiệu kinh doanh nhà hàng đang đổ xô đầu tư vào các startup công nghệ.

Giờ đây các sản phẩm công nghệ mới đang trở thành mục tiêu của rất nhiều đơn vị kinh doanh nhà hàng. Theo dự báo, đến năm 2025, doanh số bán hàng của các hãng kinh doanh nhà hàng dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa ngành công nghiệp dịch vụ, tăng gần 70% so với các con số ước lượng trước khi đại dịch xảy ra.

Vì sao ngày càng nhiều nhà hàng đầu tư vào startup công nghệ? - Ảnh 1.

Vào cuối tháng 3 vừa rồi, Chipotle đã tuyên bố đầu tư vào công ty sản xuất xe không người lái.

Tuy nhiên, do hầu hết các đơn vị này chưa có hệ thống công nghệ, nên rất nhiều trong số đó đã đầu tư vào công nghệ thông qua các vụ mua bán, các quan hệ đối tác...

Ví dự như Yum Brands (đơn vị nhượng quyền toàn cầu của KFC, Pizza Hut, Taco Bell và The Habit Burger) đã mua lại hai công ty công nghệ là Kvantum (sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa chiến lược marketing) và Tictuk Technologies (cho phép khách hàng đặt đồ ăn qua mạng xã hội và tin nhắn).

Trong khi đó Chipotle tuyên bố đầu tư vào công ty sản xuất xe không người lái Nuro vào cuối tháng 3 vừa qua. Còn Inspire Brands (công ty mẹ của Dunkin, Arby, Sonic,...) đầu tư vào ItsaCheckmate để tích hợp nhiều nền tảng đặt hàng online vào hệ thống các điểm bán hàng.

Trước đó, một số thương hiệu cũng có động thái tương tự. Vào cuối năm 2019, McDonald’s đã gây sốc khi mua lại startup trí tuệ nhân tạo Dynamic Yield và đơn vị phát triển ứng dụng điện thoại Plexure. Hay hãng Yum cũng từng đầu tư 200 triệu USD vào Grubhub năm 2018, còn Pizza Hut mua lại công ty đặt hàng online QuikOrder. Sớm nhất là vào năm 2016, Subway đã mua lại đơn vị cung cấp thương mại điện tử Avanti Commerce.

Những thương vụ này không chỉ giúp các thương hiệu kể trên tiến gần hơn với xu hướng công nghệ mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ khi thị trường thay đổi.

Chẳng hạn trường hợp của Chipotle. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số đơn đặt online tăng vọt 174% vào năm 2020, với gần một nửa đơn hàng là giao tận nơi. Tuy nhiên chi phí giao hàng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nên Chipotle buộc phải tăng giá thực đơn. Khi đó giao hàng bằng công nghệ không người lái của Nuro có thể tiết kiệm chi phí tối đa.

Vì sao ngày càng nhiều nhà hàng đầu tư vào startup công nghệ? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bởi vậy, trong một cuộc phỏng vấn với Nasdaq, Giám đốc Tài chính của Chipotle, Jack Hartung, cho biết đơn vị này sẽ triển khai giao hàng không người lái thông qua công nghệ của Nuro trong vòng 5 năm.

Không chỉ mua lại hoặc hợp tác với công ty công nghệ, các thương hiệu kinh doanh nhà hàng này cũng tạo ra những phòng thí nghiệm đổi mới của riêng mình.

Joe Park, Phó Giám đốc Đổi mới đầu tiên của Yum Brands, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tạo nên một tương lai mới với các lợi thế độc đáo. Chúng tôi không chỉ dự đoán những gì sắp đến, mà còn đón đầu chúng”.

Đón đầu xu hướng, dự đoán tương lai càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi thói quen người dùng thay đổi chóng mặt. Khi người dùng ưu tiên và chạy theo công nghệ, các đơn vị kinh doanh nhà hàng cũng phải thay đổi. Họ sẵn sàng trở thành các công ty công nghệ kinh doanh thực phẩm, hoặc có thể là các công ty công nghệ thực phẩm. Chẳng hạn Domino, với việc quảng cáo danh hiệu “công ty công nghệ bán pizza”, họ đã thúc đẩy doanh số của một cửa hàng tăng trưởng trong 39 quý liên tiếp.

Nhung T. (Theo Forbes)
Ý kiến của bạn