Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022
Ngày 19/4, tại TP Long Xuyên, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Phòng Kinh tế Hạ tầng TP Châu Đốc (đại diện cho UBND TP Châu Đốc) tổ chức họp báo thông tin về sự kiện Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 18 giờ ngày 20/4 tại Quảng trường phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022 được UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh, UBND TP. Châu Đốc và Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc tổ chức.
Đây là một sự kiện trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022). Ngày hội sẽ được diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 20/4 - 24/4/2022, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30/4, Ngày quốc tế lao động 1/5, Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 và chuẩn bị vào Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ngày hội sẽ mở cửa từ 8h sáng đến 21h30 từ ngày 20/4 - 24/4/2022, du khách và người dân vào cổng miễn phí.
Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022 được tổ chức tại Quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường Thủ Khoa Nghĩa - Chi Lăng - Bạch Đằng, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc. Ngày hội có quy mô 180 gian hàng của 150 đơn vị đến từ An Giang và 19 tỉnh, thành phố; chia làm 3 khu vực: Khu tái hiện đời sống văn hoá cộng đồng 4 dân tộc Kinh - Khmer - Chăm - Hoa, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang, đặc biệt mắm Châu Đốc; Khu triển lãm các tỉnh, thành phố; Khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng của các tỉnh, thành phố.
Ông Lê Trung Hiếu cho biết, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022 được tổ chức tại khu vực trung tâm TP Châu Đốc, một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang và diễn ra vào thời gian chuẩn bị kỷ niệm các sự kiện quan trọng của đất nước và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Ngày hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, nhằm tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh An Giang nói riêng, giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố nói chung, qua đó, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của 4 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa sinh sống tại An Giang, và giới thiệu, khẳng định thương hiệu đặc biệt "Mắm Châu Đốc" của vùng sông nước miền Tây đến với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tại Ngày hội, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục "TP Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam bộ nhất tại Việt Nam" và Ban Tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mắm trên địa bàn tỉnh An Giang đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đạt các kỷ lục và tích cực tham gia các hoạt động của Ngày hội.
Vì vậy, trong khuôn khổ của Ngày hội, bên cạnh các hoạt động tôn vinh nghề mắm Châu Đốc - An Giang, Ban Tổ chức sẽ thực hiện một số hoạt động nổi bật khác nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP - Đặc sản các vùng miền cùng văn hóa đặc trưng của các tỉnh, thành phố nhằm tạo không khí vui nhộn, thân tình và là sân chơi giữa doanh nghiệp và du khách như: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ lúa gạo - thủy sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm du lịch, ẩm thực các địa phương, các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc; Tiểu cảnh tái hiện và tôn vinh nghề làm khô, mắm truyền thống của người dân An Giang xưa - nay; Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của TP Châu Đốc và tỉnh An Giang.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng phục dựng 4 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày, văn hóa văn nghệ, ẩm thực của dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa đang sinh sống trên địa bàn An Giang; Gian hàng tái hiện đời sống văn hóa kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer - tỉnh Sóc Trăng, cồng chiêng - tỉnh Đắk Lắk, Tây Bắc, đờn ca tài tử - tỉnh Bạc Liêu, xiếc - tỉnh Long An… ngoài ra, không gian Văn hóa ẩm thực giới thiệu các món ăn địa phương chế biến từ Mắm và một số món ăn đặc trưng của An Giang. Chương trình giao lưu văn nghệ giữa các đơn vị tham gia - du khách; và tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian. Hội nghị kết nối giao thương chủ đề "Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch".
Văn Dương - Hồng ÂnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.