Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận diễn ra từ 20 - 22/12
Từ ngày 20/12 đến 22/12/2024 (03 ngày), tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) sẽ diễn ra Ngày hội văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì.
Ngày hội có sự phối hợp của UBND, sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của các các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày hội, có sự phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện của: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Công an; Ban Dân vận Trung ương; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc; Bộ Thông tin và Truyền thông; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam (Ban Dân tộc VOV4); Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngày hội là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Thông qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển.
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Góp phần củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.
Ngày hội với các hoạt động được tổ chức trang trọng, quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của tỉnh Ninh Thuận. Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia ngày hội, đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia ngày hội.
Các chương trình tham gia ngày hội được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân; các hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hoá truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại.
Lễ Khai mạc: 20h00 ngày 20 tháng 12 năm 2024, tại Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận (Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận).
Lễ Bế mạc: 20h00 ngày 22 tháng 12 năm 2024 tại Quảng trường - Tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Thuận và tiếp sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh trong khu vực).
Đến với ngày hội, đại biểu và du khách sẽ được thăm quan và thưởng thức các hoạt động Văn hoá: Trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; thăm không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế-xã hội của các địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm.
Các hoạt động Thể dục thể thao truyền thống: thi đấu 06 môn Kéo co, Đẩy gậy, Bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), Đội nước (nữ), Việt dã (nam, nữ).
Các hoạt động Du lịch: Tổ chức Hội thảo về du lịch với chủ đề "Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch".
Đến với Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, đại biểu và du khách còn được đến với "Ninh Thuận là Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt": Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam là 1/18 vùng nước trồi của thế giới, địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh Quốc gia, vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Thế giới; Khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm Quốc gia; đặc sắc văn hóa Chăm với các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm cổ nhất Đông Nam Á, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới vào năm 2022…
Đến nay, Ninh Thuận đã kiểm kê được 239 di tích với nhiều loại hình phong phú như đình làng, chùa, miếu, nhà thờ, lăng thờ Cá Ông, tháp Chăm, thánh đường Hồi giáo, đền thờ Chăm, phế tích, bia ký Chăm, di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh. Trong số này, 75 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ và xếp hạng ở các cấp khác nhau. Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận tự hào có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu 02 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và Tháp Po Klong Garai, cùng với 18 di tích quốc gia, trong đó bao gồm các công trình lịch sử và kiến trúc nổi tiếng như Bẫy Đá Pinăng Tắc, Tháp Pô Rômê, đình Vạn Phước, đình Đắc Nhơn, đình Dư Khánh, đình Văn Sơn, đình Thuận Hòa, đình Khánh Nhơn, Miếu Xóm Bánh, đình Tấn Lộc, Chùa Ông và đình Tri Thủy. Danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy cũng đã được công nhận ở cấp quốc gia, trở thành biểu tượng du lịch của tỉnh.
Về di sản văn hóa phi vật thể, Ninh Thuận có 05 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Katê của người Chăm, Lễ bỏ mả của người Raglai, Lễ Cầu ngư của ngư dân ven biển, Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa và Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà, Thuận Nam.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Thông qua các hoạt động tại Ngày hội còn là cơ hội để Ninh Thuận quảng bá, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, con người, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển của tỉnh với đồng bào Chăm 08 tỉnh tham gia ngày hội, người dân, du khách trong và ngoài nước.
Phương LoanVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.