Ngày Xuân vãn cảnh chùa Bút Bi ở Trà Vinh
Với người Khmer, từ khi chào đời đến khi trưởng thành rồi về già, mọi sự vui, buồn, sướng, khổ đều gắn chặt với ngôi chùa. Ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm tu luyện của sư sãi, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi lưu giữ giá trị văn hoá lịch sử của người Khmer. Chùa là một không gian “thiêng” đặc sắc về văn hóa vùng Nam Bộ Việt Nam.
Chùa Bút Bi của cộng đồng người Khmer Nam Bộ ở Trà Vinh
Toàn vùng cư trú của người Khmer Nam Bộ có khoảng 600 ngôi chùa, với khoảng 10.620 sư sãi, trong khi đó dân tộc Khmer chỉ có hơn 1 triệu người. Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Tiểu Thừa (Phật giáo Nam Tông). Vậy nên lên chùa tu hay ở nhà thì người Khmer đều là con Phật. Người Khmer quan niệm, đi tu không phải để trở thành Phật, mà tu để làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt.
Các vị chức sắc, sư sãi được nhân dân sùng kính. Bởi vì họ là những người trí thức dạy nhân dân học chữ, học nghề, tổ chức cuộc sống cho nhân dân.
Từ những ngày lễ hội thuần tuý Phật giáo như: Lễ Phật Đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, lễ Ban hành giáo lý, lễ cầu siêu, lễ hội dân tộc đến việc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt vui chơi và cả sinh hoạt cộng đồng phum, sóc cũng diễn ra ở chùa. Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, xã hội. Thông qua các hoạt động này giúp người dân sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Đồng bào người Khmer Nam bộ có câu: "Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt". Ngôi chùa người Khmer là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong phum, sóc. Vì vậy, ngôi chùa Khmer Nam Bộ là một công trình kiến trúc - trang trí mang nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, thể hiện nét văn hoá - nghệ thuật và là không gian thiêng liêng nhất.
Trà Vinh là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Được xem là vùng đất trẻ, nhưng Trà Vinh lại là nơi có kho tàng văn hóa đa dạng. Đặc biệt là nền văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân Khmer. Đây là địa bàn cộng đồng dân tộc người Khmer cư trú lâu đời và có nền văn hóa dân tộc đặc trưng. Tiếng nói, chữ viết, món ăn và đặc biệt là hệ thống chùa rất đặc thù. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hơn 142 ngôi chùa Khmer, nhiều hơn so với những ngôi chùa của người Kinh, người Hoa và các dân tộc khác.
Tôi đến chùa Bút Bi trong ngày đầu Xuân với tiết trời khá đẹp. Trời xanh mây trắng như hứa hẹn sẽ là một ngày đẹp trời không mưa. Ngôi chùa tọa lạc ở ấp Là Ca, xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), trong một khuôn viên rộng 18ha được khởi công xây dựng từ năm 1856. Ngôi chùa cổ đã trải qua năm đời trụ trì. Trụ trì đầu tiên là Đại đức Thạch Sóc. Hình ảnh đầu tiên mà tôi thấy được là ngôi chánh điện uy nghi, sừng sững, đồ sộ với nét đặc thù rất tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống được xây, đắp một cách công phu từ bàn tay tài hoa của những người thợ vốn là những nông dân con cháu trong bổn sóc. Đi dọc theo dãy hành lang của chánh điện là những hàng cột dày đặc mà mỗi đầu cột đều có gắn tượng Krud (người chim): Một nửa thân là chim, nửa là người hoặc là tiên nữ trong tư thế đứng dang hai tay đỡ mái, trông rất khỏe khoắn, sinh động và thể hiện tính thẩm mỹ tuyệt đẹp đậm chất kiến trúc điêu khắc truyền thống của bà con Khmer Nam Bộ.
Ngôi chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, nơi được cho là có tụ linh khí của đất trời và tuân thủ một số nguyên tắc trong triết lý Phật giáo Tiểu thừa, cũng như phong tục tập quán của người Khmer. Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chánh điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.
Qua cổng chùa, chúng ta có cảm giác như đã bước sang một thế giới khác. Đó là thế giới tâm linh, hoàn toàn khác hẳn với thế giới trần tục. Cho ta có cảm giác nhẹ nhõm, vơi đi những phiền não cực nhọc, những ganh đua tranh giành, bởi những vườn hoa khoe sắc, hàng cây xanh bóng mát, hài hòa với các công trình kiến trúc, tạo thành không khí thoáng mát trong lành. Cách trang trí những phù điêu, chạm khắc chìm nổi nhiều đề tài mà chủ đề chính là Tam Bảo. Đặc biệt là tiếng tụng kinh cao thấp, đôi lúc hài hòa với nhạc lễ (ngũ âm) cất lên giữa bầu không khí trong lành, làm cho hồn ta như bay bổng theo giọng kinh và điệu nhạc ngũ âm. Những quần thể kiến trúc thường bố trí theo phương pháp ngũ điểm, vì người Khmer quan niệm những gì lớn nhất, trân trọng nhất phải được đặt ở trung tâm, chọn đó là công trình chính, làm chủ đạo, chi phối tất cả công trình còn lại, như nhà ba gian, gian giữa thờ ông bà, còn chùa thì có chánh điện.
Chánh điện quay mặt về hướng Đông. Sư trụ trì Son Sa Mit cho biết: Người Khmer quan niệm rằng, Đức Phật ngự ở hướng Tây mặt nhìn về hướng Đông để cứu độ chúng sinh, ban phúc. Chánh điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khmer. Vì vậy, chánh điện phải được xây dựng theo đúng quy cách, kích thước nhất định. Chánh điện chùa với bộ mái ba lớp, các góc đầu đao đuôi rồng cao vút uốn lượn cho ta cảm giác uyển chuyển linh hoạt, tạo nhiều ánh sáng bên trong chùa.
Ở vị trí bệ thờ tượng Phật Thích Ca, có bệ tượng tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa. Ở những ngôi chùa Khmer Nam Bộ, việc điêu khắc trang trí rất được chú trọng và được dùng khắp mọi chỗ như góc mái, cột, diềm mái... Ở mặt tường ngoài và các cột của chánh điện được đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn (Yeak)...
Đặc biệt nhất trong những hình tượng này là mô típ trang trí Reahu và mô típ Chằn. Reahu được thể hiện là mặt một quái vật hung dữ với đôi mắt trợn trừng, đe dọa, vành miệng rộng, nhe hai hàm răng nhọn lởm chởm, đang nuốt mặt trăng. Reahu được trang trí ở nhiều nơi như trên cổng vào chùa, trên vòm mặt tiền ngôi chính điện, trên vòm cửa ra vào và thậm chí ở ngay cả bệ tượng Phật. Mô típ Chằn cũng là đại biểu lực lượng tà, phá hoại Phật Pháp. Chằn được thể hiện dưới dạng một người to lớn, khỏe mạnh, vẻ mặt dữ tợn, mình mặc giáp trụ, tay cầm chày vồ đứng gác ở cổng chùa.
Đưa hai mô típ Reahu và Chằn vào trang trí nơi cửa Phật với ngụ ý tôn vinh ý nghĩa sâu xa triết lý nhân đạo cao cả của Phật giáo: Cái xấu, cái ác cũng không phải là một lực lượng đáng sợ, đáng loại trừ. Với quyền năng tuyệt đối, vô biên, với tấm lòng nhân đạo cao cả của Đức Phật thì cái xấu, cái ác cũng được cải biến, để trở về phục vụ cho cái thiện, cái có ích. Nhìn vào các hình tượng trang trí này, chúng ta sẽ nhận ra nét đặc trưng về tín ngưỡng dân gian và Bà La Môn là những tín ngưỡng, tôn giáo có trước đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Khmer.
Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer rất phong phú đa dạng, rất đặc sắc về hình lẫn hồn. Mỗi hình khối, mỗi họa tiết trang trí đều toát lên triết lý Phật giáo, Bà La Môn kết hợp hài hòa với dân gian. Rõ nhất là sự liên kết mật thiết giữa đạo với đời nhưng không hề đối lập. Mỹ thuật trang trí không chỉ làm cho đẹp để chiêm ngưỡng, hình khối không chỉ tạo ra không gian, công năng sử dụng mà còn là một minh chứng lịch sử, minh chứng sự tiến hóa của đồng bào Khmer. Một nền giáo dục hoàn thiện, trường tồn hữu hiệu không hề tụt hậu trong tâm hồn dân tộc. Chùa Khmer là một kho tàng văn hóa đặc sắc vượt qua không gian và thời gian, rất cần chúng ta bảo tồn, phát huy và đưa vào phục vụ thiết thực trong cuộc sống, sẽ góp phần làm nên hình ảnh rực rỡ, sống động trong đời sống xã hội Việt Nam.
Bá VươngGiá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15h hôm nay (12/9) sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.