Nghệ An: 2 cựu chủ tịch xã và cán bộ địa chính bị khởi tố

Địa phương
01:25 PM 17/01/2021

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ đối với ông Trần Công Oanh, Lưu Quang Thương và Nguyễn Văn Hồng là cán bộ xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.

Ông Trần Công Oanh (SN 1960) là Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến từ năm 2014 đến năm 2020 và trước đó là Bí thư Đảng ủy xã Nghi Tiến. Ông Lưu Quang Thượng (SN 1954) tiền nhiệm của ông Oanh, làm Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến từ năm 2004 đến năm 2014. Ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1980) là công chức địa chính xã Nghi Tiến. Cả ba bị can hiện đang được tại ngoại, hạn chế việc đi khỏi nơi cư trú và Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét nhà riêng thu thập tài liệu chứng cứ.

Nghệ An:  2 cựu chủ tịch xã và cán bộ địa chính bị khởi tố - Ảnh 1.

Ngày 16/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra khám xét nhà riêng Nguyễn Văn Hồng để thu thập tài liệu chứng cứ.

Ba cán bộ xã Nghi Tiến bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có hành vi lập khống hồ sơ về diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và hồ sơ hỗ trợ cây trồng bị thiệt do thiên tai để rút ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Trong đó, số tiền thực tế người dân được hưởng khoảng 83 triệu đồng. Số tiền còn lại là hơn 722 triệu đồng được sử dụng để chi tiêu cho các hoạt động khác mà không có chứng từ. Hai cựu Chủ tịch đã chỉ đạo thuộc cấp là ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ địa chính, lập khống hồ sơ.

Đầu năm 2020, ông Trần Công Oanh cũng bị tố cáo có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong đó có chi trả tiền hỗ trợ thiên tai bão lụt nuôi trồng thủy sản từ năm 2014 đến năm 2018 không công bằng, không công khai rõ ràng, người được hỗ trợ nhiều, người được ít. Các tố cáo cũng đã được UBND huyện thụ lý xem xét theo quy định của Luật Tố cáo.

Được biết, hành vi của các bị can này diễn ra từ trước khi Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật nên về nguyên tắc, phải áp dụng luật tại thời điểm thực hiện hành vi. Có sự khác biệt nhất định giữa Điều 281 Bộ Luật Hình sự 1999 và Điều 356, Bộ Luật Hình sự 2015.

Điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015 đã có định lượng rõ ràng về hậu quả thiệt hại, quy định các mức tiền cụ thể nên dễ dàng hơn cho các cơ quan tố tụng khi áp dụng pháp luật. Ví dụ như  tại khoản 2: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức;b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng."

Tuy nhiên, Điều 281 BLHS 1999 lại không quy định rõ mức độ thiệt hại mà chỉ đưa ra các khái niệm "gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng" nên gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong việc định khung. "Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm. 4…."

Riêng đối với các quy định có lợi cho người phạm tội thì cơ sở pháp lý hiện tại là Khoản 3, Điều 7 Bộ Luật Hình sự 2015: "3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành".

Sử dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân được quy định tại nhiều tội danh khác nhau của Bộ Luật hình sự như tội Tham ô, Lạm quyền trong thi hành công vụ mà trong đó tội tham nhũng là tội danh có hình phạt khắc nghiệt nhất với mức cao nhất là chung thân, tử hình được quy định tại Khoản 4, Điều 278, BLHS 1999: "4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác". 

Vụ án hiện đang được tiếp tục điều tra làm rõ hành vi cũng như các vấn đề liên quan. Việc xác định chính xác con số thiệt hại, ai bị thiệt hại cũng là một vấn đề cần xác định chính xác.



Thái Quảng và nhóm PV
Ý kiến của bạn