Nghệ An: Bàn giải pháp quản lý và sử dụng dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị quản lý và sử dụng dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2022, Bảo hiểm Xã hội Nghệ An thực hiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp với 66/527 cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, có 01 cơ sở tuyến Trung ương, 14 cơ sở tuyến tỉnh, 51 cơ sở tuyến huyện.
Theo dự toán chi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) của tỉnh năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 3.790 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, chi phí bình quân ngoại trú, ngày điều trị bình quân nội trú... đều tăng. 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán chi BHYT hơn 1.857 tỷ đồng trong đó, dự kiến số tiền được quyết toán hơn 1.633 tỷ đồng. Đại diện liên ngành Sở Y tế - Bảo hiểm Xã hội tỉnh cảnh báo nguy cơ dự kiến chi phí vượt tổng mức thanh toán hơn 279 tỷ đồng.
Về nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc vượt chi dự toán được giao, đại diện liên ngành Sở Y tế - Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho hay: Việc xác định tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ chưa thể hiện được hết chi phí tăng giảm chi phí khám chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng dịch vụ kỹ thuật, mô hình bệnh tật dịch chuyển làm gia tăng số lượng bệnh nhân khám và điều trị hậu COVID-19. Một bộ phận người dân tham gia BHYT có tần suất khám chữa bệnh cao, sử dụng thẻ BHYT để lấy thuốc; đòi hỏi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao.
Tính từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Nghệ An là tỉnh có chi phí vượt tổng mức thanh toán không được thanh toán đứng tốp đầu trong toàn quốc (năm 2019, vượt 315 tỷ đồng; năm 2020, vượt 129 tỷ đồng, năm 2021, dự kiến vượt 298 tỷ đồng).
Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt chi dự toán thanh toán quỹ BHYT; đồng thời, đưa ra các giải pháp để quản lý tốt dự toán và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đa số các ý kiến đều cho rằng, cần phải sửa đổi Nghị định 146/NĐ-CP sớm; kiến nghị với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng mức đóng bảo hiểm, phân loại các mức đóng để hưởng các chế độ khác nhau; giảm chi phí bình quân chung/lượt khám chữa bệnh; điều tiết giảm tải tuyến trên.
Ngoài ra, cần kiểm soát tốt bệnh nhân vào điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, tiến hành kiểm tra đối với các đơn vị có số lượng bệnh nhân vào điều trị cao bất thường; giám sát, chỉ đạo việc thực kê số giường bệnh để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh...
Bên cạnh đó, đánh giá lại số ngày điều trị bình quân, nhất là rà soát tại một số khoa phòng có nguy cơ kéo dài ngày bệnh; kiểm soát chi phí đơn thuốc điều trị ngoại trú, nội trú; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng quỹ BHYT.
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh thường xuyên báo cáo với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách BHYT tại địa phương, thực hiện dự toán chi khám chữa bệnh trên địa bàn; thường xuyên cung cấp thông tin, số liệu và cảnh báo chỉ số khám chữa bệnh cho Sở Y tế để có giải pháp chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT để tổ chức thực hiện đúng quy định...
Đối với các đơn vị khám chữa bệnh, yêu cầu tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý để không vượt tổng dự toán quỹ BHXH, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng lạm dụng vượt mức dự toán quỹ BHXH; tiến hành rà soát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT.
Ngọc TúTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.