Nghệ An: Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 10/2024
Sáng 28/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10/2024 để nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu điều hành phiên họp.
Tham dự phiên họp có: Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thành, thị.
Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo; bàn ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2025 -2035 và những năm tiếp theo.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, các thông báo kết luận hằng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thị xã Hoàng Mai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao (bình quân giai đoạn 2014 - 2024 đạt 13 - 14%), là một trong 3 địa phương có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhất tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Từ năm 2014 đến nay, có trên 50 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng phát triển các khu công nghiệp. Nhiệm vụ xây dựng đô thị loại III, xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm và giành được nhiều kết quả tốt; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc,…
Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Quốc phòng, an ninh luôn đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được chú trọng, đổi mới, có chuyển biến mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy tốt, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, tiềm năng và lợi thế chưa được phát huy đầy đủ, nhất là lợi thế các khu công nghiệp. Quy mô dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng còn thấp; chưa phát triển được các loại hình dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, như: Cảng biển, logistics; chuyển biến của lĩnh vực nông nghiệp sang hướng nông nghiệp đô thị còn khó khăn. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của lĩnh vực văn hóa - xã hội còn khó khăn trong thực hiện. Công tác quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tiến độ lập một số quy hoạch chậm. Thu ngân sách còn thấp và chưa bền vững; số tiền thu sử dụng đất còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách và còn đạt thấp…
Trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng thị xã Hoàng Mai trở thành Thành phố vào năm 2030; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, chuyển dịch kinh tế đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh. Đời sống của nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao những kết quả thị xã Hoàng Mai đã đạt được, trong đó đã cố gắng hoàn thành 23/27 chỉ tiêu Nghị quyết 01 đề ra. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị thị xã Hoàng Mai tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp; đồng thời thống nhất ban hành Nghị quyết mới đối với thị xã Hoàng Mai trong giai đoạn tới.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2030.
Thời gian qua, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 05-NQ/TU được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, có chất lượng dưới nhiều hình thức đa dạng, đạt hiệu quả cao, tạo được sự lan tỏa rõ nét. Trong 03 năm qua, các nhiệm vụ CCHC có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực, thực chất hơn, có hiệu lực hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm đặc biệt; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá theo lộ trình tối thiểu 20% TTHC nội bộ; nhiều TTHC cắt giảm sâu thời gian giải quyết được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao. Một số mục tiêu theo Nghị quyết đã đạt và vượt như: Chỉ số CCHC (PARINDEX) và chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh trong các năm 2021, 2022, 2023 tăng, nằm trong tốp 15 của cả nước (Chỉ số CCHC năm 2021 xếp thứ 17, năm 2022 xếp thứ 16, năm 2023 xếp thứ 15; Chỉ số SIPAS năm 2021 xếp thứ 35, năm 2022 xếp thứ 14, năm 2023 xếp thứ 12). Bộ máy chính quyền các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Phân công phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu ngày càng được đẩy mạnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số cơ quan, đơn vị có lúc thiếu quyết liệt. Một số nơi, người đứng đầu chưa xác định, lựa chọn được những việc trọng tâm, cấp bách trong công tác CCHC để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vai trò, trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ chủ chốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác CCHC chưa cao. Giải quyết TTHC có lúc, có nơi còn chậm; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Bộ phận Một cửa của các xã vùng nông thôn, miền núi xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, sẽ tập trung các giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Chỉ thị số 17-CT/TU và các quy định của Đảng, Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đạo đức công vụ; trách nhiệm nêu gương; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo CCHC các cấp, các ngành; tiếp tục thực hiện tốt Đề án số 06/CP; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về nêu gương của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hành động; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước…
Về nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng tuyến đường tránh đô thị Diễn Châu, đoạn từ Quốc lộ 7B đến Quốc lộ 7A. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ huyện Diễn Châu 100% phần ngân sách tỉnh hưởng từ tiền sử dụng đất của 04 khu đô thị đã có chủ trương tài trợ quy hoạch (K hu đô thị ven sông Lạch Vạn xã Diễn Thành; Khu đô thị tại khu vực Hói Gon, Sác Mạc, xã Diễn Thành; Khu đô thị tại khu vực xóm Sò, xã Diễn Phúc; Khu đô thị tại khu vực Làng Yên, xã Diễn Phúc) để thực hiện dự án Tuyến đường tránh đô thị Diễn Châu, đoạn từ Quốc lộ 7B đến Quốc lộ 7A. Sau khi lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng tuyến đường tránh đô thị Diễn Châu, đoạn từ Quốc lộ 7B đến Quốc lộ 7A, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua làm cơ sở để thực hiện.
Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về dự thảo Đề án tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với việc nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.