Nghệ An: Bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm trong xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính
Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, ngày 13/5/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 4093/UBND-KT nhằm hướng dẫn rõ ràng, đồng bộ việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công trong quá trình thực hiện sáp nhập, hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính.
Công văn số 4093/UBND-KT yêu cầu tận dụng tối đa nguồn lực hiện có, tránh lãng phí, thất thoát tài sản công, đồng thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của đơn vị mới sau sắp xếp.

Công văn số 4093/UBND-KT
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thuộc diện sắp xếp hành chính phải thực hiện kiểm kê, phân loại và lập danh sách tài sản công theo các nhóm cụ thể: tài sản đang quản lý; tài sản thừa/thiếu qua kiểm kê; tài sản không thuộc quyền sở hữu như tài sản mượn, giữ hộ.
Trên cơ sở đó, các đơn vị có trách nhiệm xử lý kịp thời các bất cập, trả lại tài sản không thuộc sở hữu, chấm dứt việc thuê mướn không cần thiết, đồng thời bảo vệ, bảo quản tài sản tránh mất mát, thất thoát.
Quan trọng hơn, việc xây dựng phương án xử lý tài sản công phải được thực hiện song song với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai. Căn cứ vào phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các đơn vị thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản, không để xảy ra tình trạng thất lạc, mất mát hay sử dụng sai mục đích.
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập hoặc tổ chức lại đơn vị hành chính, các cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm sử dụng tài sản công đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Trường hợp phát hiện tài sản dôi dư hoặc không còn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cần lập hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định. UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: không để tài sản bị bỏ không, sử dụng kém hiệu quả hoặc sai mục đích gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, việc sắp xếp tài sản trong quá trình tái cơ cấu đơn vị hành chính sẽ không phải thực hiện quy trình xử lý nhà, đất theo Nghị định số 03/2025/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thủ tục hành chính. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại tài sản để bố trí hợp lý, có tầm nhìn dài hạn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp sau sáp nhập, UBND tỉnh ưu tiên bố trí cho các đơn vị hành chính cơ sở nơi đặt trụ sở hoặc cho các cơ quan nhà nước khác có nhu cầu, kể cả cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Có thể bố trí một trụ sở làm việc dùng chung cho nhiều cơ quan, nhằm tiết kiệm chi phí vận hành và tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có.
Việc điều chuyển trụ sở giữa các cấp chính quyền, giữa các đơn vị thiếu - thừa diện tích sử dụng được khuyến khích để phân bổ tài sản hợp lý. Những trụ sở dôi dư sau sắp xếp sẽ được xử lý theo quy định hiện hành, trong đó ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ mục đích công cộng như trường học, trạm y tế, thư viện, công viên, thiết chế văn hóa - thể thao... Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, tài sản có thể được thu hồi, bàn giao cho tổ chức có chức năng quản lý, phát triển quỹ đất để quản lý, khai thác hiệu quả theo hướng phục vụ lợi ích lâu dài của địa phương.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản công trong phạm vi quản lý (gồm cả cấp huyện và xã), gửi UBND tỉnh phê duyệt cùng với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Các sở, ngành như Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Văn hóa - Thể thao - Du lịch... có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện quản lý, sắp xếp tài sản kết cấu hạ tầng theo đúng quy định.
Đặc biệt, Sở Tài chính là đơn vị đầu mối tổng hợp các đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định việc xử lý tài sản công trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Việc chỉ đạo quyết liệt, bài bản trong sắp xếp, xử lý tài sản công không chỉ góp phần tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công, mà còn đảm bảo tính minh bạch, công khai trong quá trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thái Quảng
Thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Renzo Piano, nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng là một công trình mang tính biểu tượng của Việt Nam. Vậy, thiết kế nhà hát bên Hồ Tây này có gì đặc biệt để có thể vươn tầm thế giới?