Nghệ An: Bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh
Ngày 26/12, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc để nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Buổi làm việc do ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Tham dự buổi làm việc có: Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Vinh.
Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội quy định gồm 4 nhóm lĩnh vực với 14 chính sách cụ thể, gồm: Quản lý tài chính - ngân sách (04 chính sách); Quản lý đầu tư (06 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (02 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (02 chính sách).
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 137/2024/QH15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 18/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 737/KH-UBND ngày 27/9/2024, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện từng chính sách, nhất là chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện sau khi Nghị quyết số 137/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Trong số 14 chính sách, có 08 chính sách phải trình HĐND tỉnh hoặc UBND tỉnh ban hành quy định trước khi thực hiện; 06 chính sách đã bảo đảm các điều kiện để thực hiện khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành (không có vướng mắc).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh ý nghĩa của việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 137 nhằm tạo động lực, nguồn lực cho tỉnh Nghệ An thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 137 thực sự có ý nghĩa khi tỉnh thực hiện có hiệu quả.
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 137; rà soát các nội dung thực hiện Nghị quyết. Buổi làm việc hôm nay được tổ chức để đưa ra các phương án thực hiện Nghị quyết số 137 một cách cụ thể, nhất là trong bối cảnh hiện nay tinh thần triển khai của Trung ương rất thông thoáng để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương. Mục tiêu cuối cùng là vận dụng các cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh trong điều kiện tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về các nguồn lực.
Đối với 08 chính sách phải trình HĐND tỉnh thì có 04 chính sách đã được tháo gỡ trong các quy định của Luật vừa được ban hành; vì vậy, UBND tỉnh thống nhất trình HĐND tỉnh để áp dụng theo các quy định của Luật sửa đổi gồm: Chính sách Tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công thành dự án đầu tư công độc lập; Chính sách thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; Chính sách HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP; Chính sách thực hiện hình thức hợp đồng BT.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải xác định được các danh mục dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và kèm theo đó là định hướng về cơ chế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các ngành phải tư duy để xây dựng các nguồn lực, "không ngồi đợi"; xây dựng các danh mục dự án và phải hoàn thành danh mục các dự án PPP trước ngày 30/6/2025.
Đối với các dự án thực hiện theo hình thức BT phải phù hợp với quy hoạch và phải xây dựng được cơ chế đi kèm; các Sở, ngành phải xây dựng danh mục các dự án để thực hiện.
Đối với 04 chính sách phải trình HĐND tỉnh để thực hiện, gồm: Chính sách phí, lệ phí giao Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất. Định kỳ hàng năm, Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đề xuất và báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.
Chính sách đối với nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản và nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xác định danh mục dự án cần tập trung, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu vực miền Tây. Giao các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết cho ý kiến danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn miền Tây trong quý I/2025.
Đối với chính sách tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tiếp tục rà soát, chủ động xây dựng phương án để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cùng với tiến độ xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2025.
Đối với chính sách HĐND thành phố Vinh được thành lập 03 Ban, bao gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Vinh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về lĩnh vực phụ trách của các ban thuộc HĐND thành phố Vinh.
Đối với các chính sách còn lại đã bảo đảm các điều kiện để thực hiện: Chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hiện nay đã xác định được diện tích, nguồn kinh phí, giao ngành NN&PTNT phối hợp với các địa phương để rà soát lại các diện tích để đảm bảo các điều kiện thực hiện.
Chính sách thu hồi đất vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến đường đô thị để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, cần xác định các tuyến, các danh mục để xây dựng các quy hoạch để triển khai. Thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa lập các dự án để phát triển quỹ đất theo chính sách trên.
Đối với chính sách Thường trực HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C, hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư công 2024, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C là UBND các cấp.
Về chính sách chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I, các ngành căn cứ vào tình hình thực tế để chủ động triển khai.
Về chính sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An và cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh, giao Sở Tài chính căn cứ các quy định thực hiện.
Thái QuảngViệt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.