Nghệ An: Chủ động, sẵn sàng trước mọi diễn biến dịch bệnh COVID-19

Địa phương
02:06 PM 14/08/2021

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định: Hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện đến cơ sở, các thôn, xóm, bản đã vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ với nhiều biện pháp mạnh mẽ; luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng các diễn biến của dịch trong mọi tình huống, đảm bảo tối đa an toàn cho người dân, ổn định tình hình tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, tính từ ngày 13/6/2021 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 443 ca nhiễm COVID-19 tại 19 địa phương trong tỉnh; đã có 191 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện. Các ổ dịch trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát.

Biến chủng Delta đã làm cho tình hình dịch trở nên rất phức tạp khi tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, đe dọa sức khoẻ và tính mạng của người dân. Khi dịch xuất hiện hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam, đã có hàng nghìn người dân trở về trên địa bàn tỉnh. 

Theo thống kê của các địa phương, trong 14 ngày trở lại đây, trên địa bàn đã ghi nhận hơn 11.000 trường hợp trở về từ các tỉnh, thành có dịch trên cả nước, trong đó có hơn 9.000 trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Trong số đó, đã phát hiện và ghi nhận 170 ca nhiễm. Số công dân cần cách ly tập trung tăng cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu không thực hiện tốt công tác quản lý. Điều này cũng dẫn đến những yếu tố khó lường và nguy cơ bùng dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Quyết liệt, linh hoạt trong công tác phòng chống dịch

Báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Tiếp thu tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên tinh thần "kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và dựa vào dân", với phương châm "4 tại chỗ" đã mang lại những kết quả rất tích cực.

Sự vào cuộc tích cực, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân và cả cộng đồng, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực cao của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu, tính đến thời điểm này, tỉnh cơ bản kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Nghệ An: UBND tỉnh luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng các diễn biến của dịch COVID-19 trong mọi tình huống - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra kỹ tại điểm cầu Bến Thủy 2 ra vào TP.Vinh trực 24/24h

UBND tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ đạo đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phương án, biện pháp, giải pháp phòng chống dịch được nhân dân đồng tình, ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thường xuyên họp bàn đột xuất, tìm giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến dịch để công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt nhất. Các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công, phân nhiệm rõ ràng; trực tiếp, kiểm ttra, nắm chắc tình hình để chỉ đạo cơ sở. Công tác phòng, chống dịch được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng cũng tích cực tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. 

Tính từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 650 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với tổng số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, với những trường hợp cán bộ có vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều có quyết định xử lý kịp thời, nghiêm minh. Thời gian qua, đã có 03 đồng chí Chủ tịch UBND phường, xã bị đình chỉ công tác do thiếu trách nhiệm, lơ là để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trên địa bàn.

Lên phương án điều trị cho 5.000 bệnh nhân

Theo báo cáo, toàn tỉnh đã thiết lập 604 cơ sở cách ly tập trung với quy mô trên 22.000 giường; tính đến ngày 09/8, các cơ sở cách ly trong tỉnh đang thực hiện cách ly 11.794 trường hợp.

Mạng lưới xét nghiệm trên địa bàn tỉnh với 09 phòng xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, công suất khoảng 40.000 mẫu/ngày; với trên 2.500 cán bộ y tế đủ khả năng lấy hơn 200.000 mẫu/ngày. 

Nghệ An: UBND tỉnh luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng các diễn biến của dịch COVID-19 trong mọi tình huống - Ảnh 2.

Xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR

Hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 được thiết lập tại 05 cơ sở tuyến tỉnh và 19 cơ sở tuyến huyện với 350 giường bệnh; đã đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến số 1 với quy mô 100 giường bệnh; dự kiến đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến số 2 với quy mô 120 giường bệnh khi cần thiết và đang xây dựng kế hoạch cho việc tiếp nhận điều trị khoảng 5.000 bệnh nhân trong tình hình khi xảy ra diễn biến dịch bùng phát lớn trên địa bàn.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 được xác định là giải pháp bền vững để phòng dịch. Hiện tỉnh đã triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng tổ chức tiêm ngay khi được Trung ương phân bổ nguồn vắc xin. Toàn tỉnh đến nay đã có 68.968 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó, có hơn 23.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Không chỉ đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã quyết định chi viện hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ các tỉnh, thành bạn phòng chống dịch.

Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ngay khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp như miễn giảm thuế, gia hạn nợ, cho vay vốn với lãi suất thấp, kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội....; hỗ trợ tiền cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Từ năm 2020 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, tỉnh Nghệ An đã bố trí hơn 632 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 84 đơn vị, doanh nghiệp và 2.614 lao động, kinh phí đã giải quyết hơn 5.664 triệu đồng.

Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ- CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 15/7/2021 thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tính đến ngày 09/8/2021, tỉnh đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (đợt 1) là 61 người, kinh phí hỗ trợ là 179 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 6.966 doanh nghiệp, với 148.518 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 07 tỷ đồng; hỗ trợ 06 doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 536 người lao động với kinh phí hỗ trợ trên 5,5 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội đã giải quyết cho 05 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 233 lao động, kinh phí cho vay trên 01 tỷ đồng.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND về Quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thiết lập đường dây nóng (SĐT: 02383.830159) để tiếp nhận, giải đáp vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.

Nghệ An: UBND tỉnh luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng các diễn biến của dịch COVID-19 trong mọi tình huống - Ảnh 3.

Những công dân là người Nghệ An đang làm việc, học tập, sinh sống tại các tỉnh, thành phía Nam đi xe máy về đến cầu Bến Thủy thuộc TP. Vinh

Không chỉ quan tâm, hỗ trợ đối với những trường hợp công dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh, với những công dân là người Nghệ An đang làm việc, học tập, sinh sống tại các tỉnh, thành phía Nam có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng được về quê cũng đã được tỉnh hỗ trợ, tổ chức đón và cách ly đảm bảo an toàn. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm, giải quyết việc làm cho những trường hợp lao động tự do trở về trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch

Chỉ rõ những khó khăn, thách thức, cũng như tồn tại trong công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiên trì định hướng, chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. 

Trong đó tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", chiến lược "5K+Vắc xin" với cá nhân, an toàn COVID với cơ sở sản xuất kinh doanh và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghệ An: UBND tỉnh luôn chủ động, sẵn sàng đáp ứng các diễn biến của dịch COVID-19 trong mọi tình huống - Ảnh 4.

Tổ truy vết của TP Vinh đang đi làm nhiệm vụ với thời gian nhanh nhất có thể

Trên cơ sở điều kiện thực tiễn của các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo xây dựng các phương án linh hoạt và khoa học nhằm kiểm soát dịch an toàn và hiệu quả như: Tăng cường năng lực cách ly, năng lực truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly và điều trị, sẵn sàng đáp ứng các diễn biến của dịch trong mọi tình huống. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; triển khai một số biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Trong thời điểm này, nhiệm vụ phòng chống dịch là trên hết, trước hết, do đó, UBND tỉnh sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành tiếp tục chủ động hơn, thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", khi chưa có dịch thì hết sức cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng chống, luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh cao hơn.

Tăng cường công tác truyền thông, phát huy tối đa vai trò sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là Tổ COVID cộng đồng; kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật, xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật...

Quảng Bình
Ý kiến của bạn