Nghệ An: Chùa Đức Hậu trang trọng tổ chức Lễ khai bút cho chữ đầu năm mới
Khai bút đầu Xuân từ lâu đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học. Đây cũng là một cách lưu giữ truyền thống, thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa, mở mang trí tuệ. Lễ khai bút còn có ý nghĩa răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học, cố gắng không ngừng vươn lên của cha ông ta ngày trước.
Người Việt quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò cả nước. Khai bút đầu năm không phải nghi lễ bắt buộc phải thực hiện trong ngày Tết, nhưng trong tiềm thức người Việt, đây đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, và vẫn được giữ gìn cho đến tận ngày nay. Vì vậy, mọi người thường chọn ngày đẹp khai bút đầu xuân với hi vọng năm nay mình sẽ học hành tấn tới, sự nghiệp thuận lợi, vạn sự đều đạt được thành công như ý. Và những năm gần đây, đầu năm lên chùa để khai bút- xin chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh vừa thể hiện truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ!
Là một trong những nghi lễ trang trọng trong dịp Tết cổ truyền, Lễ khai bút đầu xuân được tổ chức thường niên tại chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, Tp.Vinh, Nghệ An) với sự chủ trì của Đại Đức Thích Định Tuệ. Năm nay, Lễ khai bút đầu năm được tổ chức vào ngày 16/2/2021 (nhằm ngày mùng 6, năm Tân Sửu). Buổi lễ có đông đảo các phật tử, người dân trong và ngoài vùng về tham dự. Đặc biệt, có rất nhiều bạn trẻ cùng về chùa để xin chữ với nguyện vọng sẽ có một năm học hành tấn tới. Với ý niệm khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề…ai cũng mong muốn về chùa để cùng thể thực hiện nghi thức này, cùng thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.
Trong tình hình dịch bệnh covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, nên lễ Khai bút đầu năm Tân Sửu tại chùa Đức Hậu được tổ chức với các nghi thức, nghi lễ trong quy mô khiêm tốn hơn những năm trước, nhưng vẫn thể hiện được sự trang trọng và thành kính! Các phật tử và người dân đến dự lễ cũng rất nghiêm chỉnh chấp hành các quy định chung, để bảo đảm an toàn sức khỏe.
Lễ hội khai bút đầu xuân năm nay, Đại Đức Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Đức Hậu đã chọn những chữ Quốc ngữ: Trí, Đức, Tài, Thành, Đạt, Tâm, Nhân, Nghĩa, Hiếu, Vinh, An, Khang, Phát để chấp bút và cho chữ! Tất cả đều được viết bằng lối chữ chân phương, trên giấy chuyên dụng dành cho viết thư pháp.
Để khích lệ thêm tinh thần hiếu học, ngoài cho chữ, nhà chùa còn tặng bút và tặng sách cho tất cả các phật tử và người dân về tham dự buổi lễ. Đây là những hiện vật có ý nghĩa thiết thực, được sử dụng hàng ngày để nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu. Khai bút đầu xuân không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng và cả những hi vọng cho một năm mới bắt đầu. Ai cũng rạng ngời, hoan hỉ khi xin được chữ ưng ý và nâng niu bức chữ, cây bút, cuốn sách trên tay! Những hiện vật này không mang ý niệm vật chất, mà mang ý nghĩa là niềm tin, hi vọng rằng trong năm tới, học hành, thi cử, đỗ đạt, công việc được tấn tới, hanh thông, thuận buồm xuôi gió.
Tặng chữ, tặng bút chúc nhau một chữ lành! Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Khai bút đầu năm là một hoạt động gắn liền với tâm hồn minh triết và đời sống trí tuệ. Khai bút chính là gieo hạt giống trí tuệ trong mỗi chính ta vào dịp đầu năm mới, với nguyện vọng hành động chín chắn để mang lại sự an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người!
Chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, Tp. Vinh, Nghệ An) có tên gọi cổ là Thiên Linh Tự. Tương truyền Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII – XIII. Có một điều khác biệt, chùa Đức Hậu có hệ thống thờ cúng lưỡng tự, "tam giáo đồng nguyên" gồm: chùa – đền – đình – miếu án ngự. Đây từng là một địa chỉ văn hóa tâm linh – chính trị- xã hội của người dân thành phố Vinh và các vùng lân cận. Người dân địa phương truyền rằng Chùa có ứng – Phù chữa bệnh rất hiệu nghiệm.
Do chiến tranh và biến thiên của lịch sử, trong thời gian dài, chùa Đức Hậu chỉ còn là chứng tích, người dân cũng mất đi nơi thờ tự. Đến năm 2011, Ban Tôn giáo tỉnh và Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để phục dựng lại chùa, và bổ nhiệm Đại đức Thích Định Tuệ làm trụ trì.
Từ năm 2018, chùa Đức Hậu được khởi công xây dựng tôn tạo bề thế hơn, uy nghiêm hơn, xứng tầm với ngôi chùa có bề dày lịch sử và văn hóa. Hiện nay, Chùa Đức Hậu trở lại là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương, nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các Phật tử xa gần nói riêng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tính ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương.
Trước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.