Nghệ An có 2 cá nhân đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"
Tỉnh Nghệ An vinh dự có 2 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 là ông Nguyễn Văn Hùng - chủ mô hình trồng tảo xoắn, đông rùng hạ thảo tại huyện Quỳnh Lưu và anh Lê Hội Hưng - chủ mô hình khai thác, sơ chế biến hải sản và trồng rừng tại thị xã Hoàng Mai.
- Nghệ An: Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc về công tác phòng, chống tội phạm
- Nghệ An: Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh năm 2022
- Nghệ An: Tạm đình chỉ các hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Châu Hồng
- Nghệ An: Chốt phương án mở rộng địa giới và không gian thành phố Vinh ra phía biển
Thông tin từ, Ban Tổ chức Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" vừa có Quyết định số 5732-QĐ/HNDTW ngày 29/7 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố danh sách 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. Trong đó, tỉnh Nghệ An vinh dự có 2 nông dân đạt danh hiệu này là ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1951) tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, và anh Lê Hội Hưng (SN 1979) tại thị xã Hoàng Mai.
Ông Nguyễn Văn Hùng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Tảo Việt Nam - Vastcom ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để trở thành một nhà đầu tư, nuôi trồng, chế biến tảo xoắn Spirulina… như hiện nay.
Ngay sau khi đến tuổi nghỉ hưu và bàn giao trách nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc Phòng) cho thế hệ kế tiếp, Đại tá Nguyễn Văn Hùng về quê ở Quỳnh Lưu và bắt đầu với kế hoạch kinh doanh sản xuất. Trong quá trình đó, ông nhận thấy nhu cầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam về sản phẩm chế biến từ tảo Spirulina làm thực phẩm chức năng giàu dinh dưỡng, có giá trị ứng dụng trong y học rất lớn, nhưng chưa nhiều người dân được tiếp cận, sử dụng.
Xuất phát từ thực tế đó và qua trải nghiệm của bản thân, ông Nguyễn Văn Hùng mong muốn phát triển mạnh mẽ sản phẩm này, trước mắt giúp người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo có điều kiện tiếp cận, sử dụng các sản phẩm từ tảo Spirulina chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Tảo Việt Nam - Vastcom được thành lập và xây dựng trên nền diện tích 5 ha. Trong đó, 2 ha để nuôi tảo, 2 ha xây dựng khu sinh thái, và 1 ha để xây dựng khu dưỡng lão.
Với hệ thống sản xuất tảo xoắn Spirulina được ứng dụng công nghệ sinh học vi tảo bao gồm nhiều công đoạn từ sàng lọc chủng giống vi tảo, nhân giống các cấp, sau đó nhân sinh khối ở quy mô lớn trong các hệ thống kín, sau đó ra các bể hở... các công đoạn này nhằm làm cho tảo thích nghi dần với điều kiện thời tiết và tăng dần khả năng chống chịu của nó. Từ bột tảo xoắn, công ty điều chế thành dạng viên nang, viên nén hoặc làm nguyên liệu để tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học ứng dụng trong dược phẩm làm thuốc chữa các bệnh nan y.
Có thể nói doanh nghiệp nông nghiệp do ông Hùng làm chủ hiện có quy mô nuôi tảo xoắn Sprirulina lớn, hiện đại và bài bản bậc nhất hiện nay ở xứ Nghệ. Cùng với đó là giải quyết việc làm cho 50 lao động với mức lương từ 6 triệu 15 triệu đồng/tháng tùy vào vị trí; thu hút khách du lịch mọi miền đến với địa phương, mang tên tuổi địa phương ra xa hơn. Thu nhập từ mô hình nuôi trồng tảo toắn, đông trùng hạ thảo của doanh nhân Nguyễn Văn Hùng thu về hơn 12 tỉ đồng/năm.
Anh Lê Hội Hưng là người tiên phong thành lập đội tàu vừa khai tác hải sản vừa cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm cho bà con ngư dân trên vùng biển thị xã Hoàng Mai. Anh cũng đồng thời là Giám đốc HTX Đoàn Kết, hiện nay đang quản lý 1 Cơ sở sản xuất đá lạnh với quy mô 40 tấn/ngày và trạm bơm xăng dầu cùng một đội tàu gồm 19 chiếc khai thác hải sản xa bờ. Tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động có mức lương tháng từ 9-10 triệu đồng/tháng. Doanh thu khoảng 10 tỷ đồng của anh phần lớn đến từ nghề biển.
Bên cạnh đó, ngư dân Lê Hội Hưng còn là người nặng tình với rừng, mà như anh nói đó là "lấy biển nuôi rừng". Hiện nay, anh là chủ sở hữu của 78 ha rừng thông, bạch đàn ở khu vực xã Quỳnh Lập mà trước đó bố ông từng nhận trồng.
Trước đó, Ban Tổ chức Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" đã nhận được 249 hồ sơ đề cử danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng bình chọn chung khảo Trung ương đã chấm điểm cho từng hồ sơ và tìm ra 100 hồ sơ đạt điểm số cao nhất đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.
100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 được chia làm 10 nhóm, lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt cây lâm nghiệp có 14 nông dân; trồng trọt cây lương thực, hoa màu có 18 nông dân; lĩnh vực thủy, hải sản có 6 nông dân.
Lĩnh vực chăn nuôi gia súc có 12 nông dân; lĩnh vực chăn nuôi gia cầm có 7 nông dân; lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc có 8 nông dân; lĩnh vực phát minh sáng kiến có 6 nông dân.
3 lĩnh vực mới là: lĩnh vực hợp tác xã có 10 nông dân; lĩnh vực chuyển đổi số có 5 nông dân và lĩnh vực khởi nghiệp có 14 nông dân.
100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 sẽ được vinh danh tại Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" diễn ra dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10). Chương trình có điểm mới là sẽ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc, thay vì 63 nông dân xuất sắc đại diện cho 63 tỉnh, thành như các năm khác
Vũ BìnhQuý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.