Nghệ An: Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi có dấu hiệu trốn thuế và hoạt động sai giấy phép?
Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi ở Khu Kinh tế Đông Nam (trên địa bàn xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đang ngày đêm hoạt động sản xuất dăm gỗ với quy mô lớn. Tuy nhiên, theo hồ sơ thanh kiểm tra của các cấp ngành có thẩm quyền, Công ty này có dấu hiệu trốn thuế, đã nhiều năm đến nay chưa phát sinh khoản nộp ngân sách nào...(?).
Xây dựng trái phép và trái quy hoạch?
Gần một năm trước, ngày 4/6/2020, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Ban Quản lý) phối hợp cùng UBND thị xã Hoàng Mai, UBND xã Quỳnh Lập kiểm tra thực địa hiện trường tiến độ đầu tư xây dựng xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu, do Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi làm chủ đầu tư.
Đợt kiểm tra do ông Phan Xuân Hóa, Phó trưởng Ban Quản lý chủ trì, cùng các ông Hồ Phi Triều - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai và ông Trần Đình Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai). Đại diện Chủ đầu tư làm việc với đoàn kiểm tra là Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trong 6 hạng mục có tới 4 hạng mục thi công sai Giấy phép xây dựng số 09/GPXD.KKT do Ban Quản lý cấp ngày 4/5/2019, sai quy hoạch đã được Ban Quản lý phê duyệt theo Quyết định số 82/QĐ-KKT ngày 20/4/2016. Việc này cũng trái với thiết kế đã được Ban Quản lý thẩm định như Công văn số 1023/KKT-TĐXD ngày 30/8/2018.
Theo đúng với Giấy phép xây dựng được cấp, thì xưởng băm, nghiền dăm gỗ có kết cấu hệ khung thép Zamil chịu lực. Nhưng Công ty Đông Hồi đã tự ý chuyển sang hệ thống khung thép hàn hình tổ hợp hàn chịu lực. Kết cấu nhà xưởng bị thay đổi sẽ ảnh hưởng tới khả năng chịu lực, dẫn đến sự rủi ro cao với tính mạng người lao động khi thời tiết gió bão. Hơn nữa, các hạng mục bể nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy, trạm điện, nhà vệ sinh công cộng đều xây dựng không đúng vị trí theo Quyết định phê duyệt số 82/QĐ-KKT ngày 20/4/2016 của Ban Quản lý.
Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi đã cam kết tháo dỡ và hoàn thiện lại đối với các hạng mục công trình đã thi công không đúng với thiết kế đã được phê duyệt và Giấy phép xây dựng.
Ngày 25/11/2020, Ban Quản lý đã tiến hành kiểm tra thực địa khu đất đầu tư xây dựng nhà xưởng thực hiện Dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi. Đại diện Ban Quản lý yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng tất cả hoạt động dây chuyền băm dăm gỗ, do chưa đủ điều kiện vận hành. Máy móc thiết bị chỉ được vận hành sau khi Chủ đầu tư hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình và được Ban Quản lý nghiệm thu. Tuy nhiên đến nay hiện trạng xây dựng công trình nhà xưởng không có gì thay đổi và hàng ngày vẫn sản xuất dăm gỗ quy mô lớn bất chấp yêu cầu từ phía Ban Quản lý...
Khi làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An và Cơ quan Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi giải trình rằng đang chạy thử máy dù lúc đó họ đã đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất với sản lượng hàng trăm tấn dăm gỗ mỗi ngày. Đó là những mâu thuẫn trong mọi lý do so với thực tế.
Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi không khắc phục sai phạm xây dựng, chưa hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình, chưa nghiệm thu thi công phòng cháy chữa cháy, tiến độ triển khai dự án đầu tư không đảm bảo (dù đã được gia hạn tới ngày 13/6/2020 để hoàn thành đầu tư đưa nhà xưởng vào hoạt động) nhưng vẫn vận hành máy móc thiết bị, sản xuất hàng hóa dù đã bị yêu cầu ngừng chạy máy. Như vậy những việc làm của Công ty có trái pháp luật?
Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi có dấu hiệu trốn thuế hay không?
Về Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi, hơn một năm trước, trong số báo ra ngày 19/3/2020, báo Kinh doanh và Pháp luật (tiền thân của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị) đã có bài phản ánh "Nghệ An: Chế biến gỗ dăm "chui" hàng trăm tấn mỗi ngày". Tiếp sau đó, ngày 30/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1888/UBND-TH chỉ đạo kiểm tra sự việc.
Tuy nhiên, thay vì tổ chức kiểm tra hiện trạng thực tế, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An lại có Công văn số 383/KKT-KHĐT ngày 7/4/2020 cho rằng các phản ánh trên của chúng tôi không có cơ sở, đã sử dụng dữ liệu cũ, chưa cập nhật để báo cáo UBND tỉnh. Khi phóng viên nhiều lần đến đăng ký làm việc, thì chỉ được cung cấp một số văn bản trao đổi giữa Ban Quản lý và các cơ quan khác, đáng nói là người có trách nhiệm không làm việc trực tiếp để giải đáp các vấn đề mà cơ quan báo chí phản ánh.
Trái ngược với Báo cáo của BQL Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với UBND tỉnh Nghệ An, ngày 16/4/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An đã lập biên bản ghi nhận, trong xưởng Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi đang diễn ra hoạt động sản xuất và chế biến gỗ dăm với 2 máy băm đang hoạt động và có khoảng 100m3 gỗ dăm thành phẩm. Ngay trong quá trình kiểm tra này, tại xưởng có đoàn xe chở gỗ keo vào nhập cho Công ty và xe tải đang vận chuyển thành phẩm gỗ dăm xuất hàng cho khách tiêu thụ. Kế toán Công ty đã cung cấp cho cơ quan Công an các tài liệu bảng kê cân nhập hàng và xuất hàng từ ngày 15/3/2020. Số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày xưởng sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm. Như vậy hơn một năm qua, lượng dăm gỗ sản xuất ra dự tính có thể lên tới hơn trăm ngàn tấn.
Theo chứng nhận đầu tư và hồ sơ về đất đai cho thấy doanh nghiệp này chỉ được phép sản xuất viên nén và các sản phẩm gỗ dân dụng, không được sản xuất dăm gỗ. Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi, mã số thuế 2901807610, thành lập ngày 23/11/2015, sau đó tạm ngừng hoạt động đến 30/9/2019 hoạt động trở lại. Được biết, về các khoản nộp ngân sách nhà nước, Công ty này chỉ nộp lệ phí môn bài, chưa phát sinh khoản nộp ngân sách nào khác, kể cả tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Chủ trương của địa phương có chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn đầu tư cũng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hơn một năm qua, với sản lượng gỗ dăm có thể lên tới hơn trăm ngàn tấn, nhưng Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi không kê khai, không nộp thuế, hoạt động sản xuất có nhiều dấu hiệu trái pháp luật, nhưng vẫn hoạt động là sự bất thường(!). Câu hỏi đặt ra, tại sao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An biết doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng nhưng vẫn không xử lý theo quy định?
Hiện nay, các doanh nghiệp làm ăn chân chính chỉ mong muốn có một sân chơi bình đẳng, luật pháp như nhau để có thể cạnh tranh sòng phẳng và tạo ra động lực cho kinh tế phát triển. Đã hơn 1 năm qua, Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi vẫn sản xuất dăm gỗ quy mô lớn, trong khi các sai phạm trong đầu tư xây dựng vẫn chưa khắc phục. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý các dấu hiệu sai phạm tại Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi.
Thái Quảng và Nhóm PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.