Nghệ An: Đảm bảo trật tự xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số

Địa phương
02:45 PM 04/01/2023

Sáng 4/1/2023, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022; sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Trong năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc (CTDT), tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt nỗ lực triển khai nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nghệ An: Đảm bảo trật tự xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Quang cảnh điểm cầu tại Nghệ An

Qua đó, Ủy ban Dân tộc tập trung tăng cường thể chế về công tác dân tộc. Trọng tâm là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi 07 Thông tư, xây dựng đề án chuyển đổi số và ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Các văn bản hướng dẫn có sự tham gia của các địa phương, sát thực tế hơn, phù hợp hơn với điều kiện vùng dân tộc.

Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tăng cường; hợp tác quốc tế về CTDT tiếp tục được đẩy mạnh. CTDT năm 2022 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt chỉ tiêu đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy. 

Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; vùng DTTS và miền núi ổn định phát triển góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Cũng trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm. Một số địa phương vùng DTTS ước đạt mức tăng trưởng cao như: Lai Châu 9%, Tuyên Quang (8,8%), Hòa Bình (9,3%), Bình  Phước (9,1%), Gia Lai (9%), Sóc Trăng 7,71%... góp phần vào tốc độ tăng trưởng cao của cả nước năm 2022 (ước đạt khoảng 8%).

Nghệ An: Đảm bảo trật tự xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tại Nghệ An, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2022 đã góp phần làm thay đổi tốt hơn bức tranh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ... Các chính sách được thực hiện đúng quy định, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.

Ngoài ra, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đảm bảo.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối tăng mức vốn đầu tư cho xây dựng, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn, nhằm thực hiện thành công các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn vùng DTTS và miền núi; tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác dân tộc nói chung, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng. Đề nghị quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý danh cho người DTTS, tăng cường công tác truyền thông để người dân được biết các chính sách ưu đãi được hưởng, tránh bỏ sót đối tượng, đảm bảo công bằng; chủ động rà soát, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi không còn phù hợp...

Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị năm 2023, các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Trọng tâm là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; tập trung xây dựng các đề án, CSDT trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023. 

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, CSDT để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về CTDT, CSDT, giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghệ An: Đảm bảo trật tự xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt chủ chương chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng chuyển đổi số trong CTDT. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức các vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc theo quy định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các Bộ, ngành với Ban Dân tộc các địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi; phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng văn bản, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.