Nghệ An: Đẩy mạnh đổi mới giáo dục, kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Chiều 27/3, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới. Với nhiều chính sách đặc thù, Nghệ An tiếp tục khẳng định vị thế là tỉnh đi đầu trong đổi mới giáo dục, từ bậc mầm non đến đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng dự có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Tài chính, Nội vụ, Xây dụng, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc, các Phó Giám đốc và Trưởng phòng Sở Giáo dục và Đào tạo; Hiệu trưởng các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển toàn diện ngành giáo dục, với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Những năm qua, tỉnh Nghệ An tiên phong thực hiện ba chính sách đặc thù về phát triển giáo dục, bao gồm hỗ trợ giáo dục dân tộc và miền núi, đào tạo lưu học sinh Lào theo chương trình THPT, và phát triển dịch vụ giáo dục. Ngoài ra, Nghệ An cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước hàng năm ban hành các chỉ thị, báo cáo đánh giá, và triển khai nhiệm vụ đồng bộ từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành báo cáo kết quả hoạt động của ngành thời gian vừa qua
Nhờ những nỗ lực đó, chất lượng giáo dục của tỉnh đã có những bước tiến bộ vượt bậc, vươn lên top đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Nghệ An xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 22 bậc so với năm 2021. Học sinh của tỉnh cũng đạt thành tích cao trong các cuộc thi năng lực quốc gia và quốc tế.
Tỉnh Nghệ An là địa phương đi đầu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng nhiều mô hình trường học đổi mới, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học. Hiện nay, ngành giáo dục đang hướng tới mục tiêu kép: thay đổi phương thức quản lý, quản trị giáo dục đồng thời đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tỉnh đã phân bổ kịp thời 5.007 biên chế giáo viên nhằm đảm bảo việc dạy và học. Tuy nhiên, các trường nghề và khu vực miền núi vẫn còn thiếu giáo viên, cần có chính sách thu hút nhân lực giỏi về giảng dạy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại buổi làm việc
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Hơn 320 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hợp tác với các cơ sở đào tạo tại Nghệ An, tạo cơ hội thực tập và việc làm cho hơn 40.000 học sinh, sinh viên.
Các trường đại học trong tỉnh cũng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và giáo dục khởi nghiệp. Trong đó, Đại học Vinh đề xuất tỉnh hỗ trợ hoàn thành giải phóng mặt bằng cơ sở 2, đồng thời kiến nghị Trung ương ban hành chính sách tăng cường kết nối giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận buổi làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh ngành giáo dục Nghệ An cần tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giảng dạy, và đảm bảo hệ thống quản lý hiệu quả.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường học, hệ thống trường nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn; Xây dựng chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo gắn liền với việc làm; Phát triển các chương trình học ngoại ngữ, giúp học sinh hội nhập quốc tế tốt hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đặt mục tiêu miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT công lập. Đây là một chính sách quan trọng giúp giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh và đảm bảo cơ hội học tập cho mọi trẻ em.
Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục Nghệ An đang từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục cả nước. Trong tương lai, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền giáo dục hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.
Thái Quảng
Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới.