Nghệ An: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp

Địa phương
10:47 AM 24/12/2023

Nghệ An là một trong 14 địa phương hoàn thành sớm nhất việc kết nối Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Chiều 21/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). 

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Nghệ An: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị tại Nghệ An

Hoàn thành 67/77 nhiệm vụ theo lộ trình Đề án 06

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Trong 2 năm qua, với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt và sự sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu của Đề án 06 cơ bản đạt được. Đến nay, đã hoàn thành 67/77 nhiệm vụ theo lộ trình Đề án 06 và 200/216 nhiệm vụ thuộc các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn, như: 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình. Người dân đã được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày trên môi trường mạng...

Đối với các cơ quan nhà nước, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các Bộ, ngành, địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hơn 105 triệu dữ liệu được bổ sung, cập nhật thường xuyên bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; đã kết nối với 15 Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Từ dữ liệu gốc dân cư đã đẩy mạnh xác thực làm sạch dữ liệu, hỗ trợ tạo lập dữ liệu của các ngành, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hiện còn 26 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án 06 và theo lộ trình các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Thái Nguyên... tham luận làm rõ các giải pháp, sáng kiến nổi bật trong triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; đánh giá, nhận diện các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06; bài học kinh nghiệm rút ra và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. 

Lãnh đạo các Bộ, ngành cũng tham luận làm rõ các nội dung về: Mô hình hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến tại các điểm bưu điện và nâng cao kỹ năng số cho người dân. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. Giải pháp bố trí nguồn kinh phí triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP trong năm 2024, đảm bảo đầy đủ, kịp thời...

Nghệ An là một trong 14 địa phương hoàn thành sớm nhất việc kết nối Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh

Tỉnh Nghệ An xác định đây là đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân nên đã khẩn trương, quyết liệt và tập trung triển khai thực hiện. Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Đề án 06, với nòng cốt là Công an tỉnh và địa bàn cấp xã là đơn vị trực tiếp triển khai. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện 38 mô hình của Đề án 06, đến nay các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương đã triển khai 27 mô hình; 11 mô hình đang phối hợp với các đầu mối của Cục C06, Bộ Công an, các doanh nghiệp để thực hiện đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra.

Đặc biệt tỉnh Nghệ An đã làm sạch dữ liệu chuyên ngành như: LĐ,TB&XH, TN&MT, BHXH, Tư pháp... với hơn 1,7 triệu dữ liệu. Đã cấp hơn 2,8 triệu căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và tài khoản định danh điện tử hơn 1,9 triệu trường hợp. Chỉ đạo duy trì các lực lượng thường xuyên làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo yêu cầu “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ xác thực, kết nối, chia sẻ.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở luôn được chú trọng. Trong 2 năm, các Đoàn công tác của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại 11 Sở, ngành cấp tỉnh; 14 UBND cấp huyện và trên 200 địa bàn cấp xã. Nghệ An là một trong 14 địa phương hoàn thành sớm nhất việc kết nối Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết, cắt giảm thủ tục xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân trong hồ sơ giao dịch của công dân.

Nghệ An: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp- Ảnh 2.

Triển khai Đề án 06 tại cấp xã

Tỉnh đã ưu tiên bố trí các nguồn lực để phê duyệt các hạng mục, kinh phí đã chi đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin với số tiền 28,808 tỷ đồng; kinh phí để triển khai thực hiện Đề án 06 là 17,328 tỷ đồng. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 37.000 cán bộ, công chức, viên chức và Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, bản.

Tỉnh đã quan tâm, đặt ra nhiệm vụ năm 2024 nghiên cứu, xây dựng các nghị quyết về mức chi tối thiểu cho chuyển đổi số, thuê chuyên gia chuyển đổi số, hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, nên không có cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh...

Hoàn thiện thể chế, hạ tầng đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian qua đã đạt được 6 kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06, đó là: Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân về thực hiện Đề án 06. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số Quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng triển khai tích cực, hiệu quả; Triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng của cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh chia sẻ, kết nối dữ liệu Quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương; Tạo lập một nền tảng quan trọng để hình thành hệ điều hành công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chíp, cấp trên 70.000 tài khoản định danh điện tử... Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được quan tâm và chú trọng, hiện có 63% cơ quan nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn…

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thêm 3 bài học kinh nghiệm gồm: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, “làm việc nào dứt việc đấy”; Sự chủ động, tích cực, vào cuộc của các đồng chí đứng đầu mang tính quyết định; Kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các Bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kết quả cho đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm, theo đó, nên lựa chọn chủ đề năm 2024 là “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ với quan điểm “Khó mấy cũng phải làm, càng khó, càng phức tạp càng phải làm để phục vụ người dân và doanh nghiệp”, xác định các vướng mắc để tháo gỡ, thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương “phải tập trung xắn tay vào, quyết tâm cùng làm”, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Đề án 06. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, yêu cầu 12 địa phương còn lại sớm triển khai chi trả an sinh xã hội theo hình thức không dùng tiền mặt; tổ chức triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế; hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID. 

Các địa phương tập trung giải quyết các nhiệm vụ chậm tiến độ; triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; tăng cường tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu...

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.