Nghệ An đẩy nhanh hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng

Địa phương
08:02 PM 05/03/2024

UBND tỉnh Nghệ An đã đề ra mục tiêu rõ ràng tại Chương trình số 153/CTr-UBND về Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An năm 2024. Tăng cường, thúc đẩy quảng bá môi trường đầu tư, điểm đến du lịch, sản phẩm thương mại trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện

Thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về kêu gọi đầu tư, tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực của tỉnh và các sản phẩm dịch vụ du lịch, sản phẩm công nghiệp (bao gồm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu), sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng khác của tỉnh.

Ngoài ra, không ngừng đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp đối với đội ngũ nhân lực phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh, mang giá trị "Nghệ An – Điểm đến thành công" đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội cung ứng hàng hóa. Duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế.

Yêu cầu các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch phải được tổ chức an toàn, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm với hình thức linh hoạt nhằm tiếp tục duy trì và củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường, đối tác mới phù hợp với quan điểm, định hướng thu hút đầu tư, phát triển thương mại và du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, đẩy mạnh quảng bá môi trường đầu tư, điểm đến du lịch, sản phẩm thương mại trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện như truyền hình, internet, mạng xã hội phù hợp với xu hướng nền kinh tế số.

UBND tỉnh yêu cầu chủ động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng đầu các chuỗi cung ứng để kịp thời thu hút dòng vốn đầu tư mới; tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút đầu tư các dự án lớn (về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, chế biến chế tạo,...) có chất lượng, có tác động lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp địa phương trong chuỗi giá trị. Tạo tiền đề dịch chuyển các dự án công nghiệp hỗ trợ đi kèm từ nước ngoài vào Nghệ An.

Nghệ An đẩy nhanh hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng- Ảnh 1.

Trụ sở UBND tỉnh Nghệ An

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn, chuyển phương thức tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư từ bị động sang chủ động. Chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư địa bàn và khai thác khả năng tăng vốn đầu tư của dự án, áp dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư. Nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có thương hiệu, đẳng cấp, chất lượng cao, khác biệt, thu hút khách du lịch đến với tỉnh Nghệ An. Tập trung khai thác thị trường khách nội địa ở các tỉnh phía Bắc mà trọng tâm là Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai đồng thời tích cực thúc đẩy mở rộng sang các tỉnh phía Nam và miền Trung Tây Nguyên theo đường Hồ Chí Minh và đường hàng không về thăm quê Bác. Mở rộng khai thác thị trường khách Thái Lan, Lào và các nước ASEAN bằng đường hàng không, đồng thời tiếp tục duy trì các chương trình du lịch theo tuyến đường bộ, nhất là các chương trình du lịch caravan. Xúc tiến hợp tác với Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc để thu hút khách quốc tế đến Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ bằng đường hàng không, từng bước tiếp cận thị trường khách quốc tế có mức chi tiêu cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp.

Khảo sát, xây dựng, phát triển sản phẩm tour tuyến du lịch đặc trưng của từng địa phương và các khu, điểm du lịch trọng điểm, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hình ảnh du lịch tỉnh Nghệ An. Xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo mùa gắn với du lịch xanh, an toàn, đón các đoàn Famtrip các tỉnh, thành phố đến khảo sát du lịch nội tỉnh và liên vùng. Tổ chức Roadshow gắn với khảo sát kết nối du lịch Nghệ An với các trung tâm du lịch trong cả nước và tổ chức chương trình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các giải thi đấu thể thao.

Bên cạnh đó, tham gia các chương trình liên kết, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị Trung ương đối với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đặc biệt là các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước.

Hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tập trung khai thác tốt thị trường nội địa. Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng. Triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp nhằm đưa một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị thương mại vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng thông tin thị trường, sử dụng nhiều loại hình quảng bá sản phẩm của tỉnh để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thu hút các nhà đầu tư đến Nghệ An. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, như: Triển khai có hiệu quả Ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, Website thương mại điện tử nhằm giới thiệu và cung cấp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với liên kết vùng.

Minh Tú
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.