Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với vùng nguyên liệu gỗ
UBND tỉnh Nghệ An xem việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là một lợi thế và luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các chủ rừng, doanh nghiệp, quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa
Tổng diện tích trên 1 triệu ha đất có rừng, trong đó có gần 174.000 ha rừng trồng đã thành rừng, gần 46.000 ha rừng trồng chưa thành rừng và 788.991,10 ha rừng tự nhiên, Nghệ An đang là tỉnh có diện tích đất rừng lớn nhất cả nước, đây là một trong những lợi thế lớn của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà. Cùng với sự phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam, Lâm nghiệp Nghệ An cũng đã có những bước tiến vượt bậc và được khẳng định là một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng giúp tỉnh tạo được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Để tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; diện tích trồng mới rừng tập trung bình quân trên 18.000 ha/năm. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản ngoài gỗ có bước tăng trưởng khá, là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh. Việc phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gắn với các nhà máy chế biến đã được quan tâm, chú trọng. Các cơ chế, chính sách về phát triển rừng nguyên liệu từng bước được hoàn thiện. Bước đầu triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu chế biến và thị trường xuất khẩu lâm sản.
Hiện nay, toàn tỉnh hiện đã có 10.289 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), trong đó diện tích rừng trồng là 9.450 ha; 07 chủ rừng là tổ chức nhà nước đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, 05 đơn vị đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 219.749,57 ha rừng trồng có tiềm năng để thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2022 có 13.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Tất cả chủ rừng được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và diện tích rừng được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững đạt thấp (7/24 chủ rừng là tổ chức được phê duyệt, chiếm 29,17%; diện tích đã phê duyệt phương án 227.311,38 ha/1.235.645,13 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 18,4%). Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC còn thấp so tổng diện tích rừng hiện có 10.289 ha/962.896,97 ha, chỉ chiếm tỷ lệ 1,06%, trong đó diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt 9.450 ha/219.749,57 ha, chiếm tỷ lệ 4,3% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương, các chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, người dân và cả hệ thống chính trị trong phát triển ngành lâm nghiệp trong giai đoạn mới.
Với rừng tự nhiên, cần quản lý tốt diện tích rừng hiện có; bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ để giảm thiểu tác hại do thiên tai, cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với rừng trồng, cần khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người trồng rừng thực hiện quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng; đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, thực hiện mục tiêu kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong phát triển rừng; thực hiện tuân thủ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản tuân thủ quy định của luật pháp Việt Nam và cam kết Quốc tế.
Các ngành, các địa phương, các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy định của Luật Lâm nghiệp, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về phát triển lâm nghiệp; hoàn thành việc xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững; tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ xây dựng hồ sơ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Có cơ chế để khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, liên kết trong trồng rừng và chế biến, thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Tỉnh Nghệ An xem việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là một lợi thế và luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các chủ rừng, doanh nghiệp, quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Vì vậy, yêu cầu Sở NN&PTNT, các Sở, ngành, các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương bám vào các quy định của nhà nước để tổ chức thực hiện; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình liên doanh, liên kết và hỗ trợ người dân trồng rừng tiêu thụ sản phẩm.
Ngọc TúBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.