Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án Đường ven biển
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khi kiểm tra công trường thi công và tình hình thực hiện dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
Cùng tham gia kiểm tra có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua.
Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7-Km76 có quy mô đường cấp III đồng bằng. Toàn dự án có 8 cầu, trong đó có 05 cầu lớn là: Cầu Hoàng Mai dài 514m; Cầu Lạch Quèn dài 642m; Cầu Cửa Thơi dài 887m; cầu Lạch Vạn dài 755m, cầu Nghi Quang dài 410m và 3 cầu nhỏ là: Cầu Tân Long, Cầu Kênh Nhà Lê, cầu Nghi Tân.
Tổng chiều dài cần giải phóng mặt bằng là 59,91Km đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Tổng mức đầu tư dự án là 4.651 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 7/2022, các địa phương phải bàn giao xong mặt bằng đối với đoạn tuyến đi qua đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên chiều dài 52,4 km. Tuy nhiên, đến nay toàn tuyến bàn giao được 42,46km, đạt 71%.
Theo kế hoạch đề ra, các nhà thầu sẽ thi công xong phần nền đối với đoạn qua đất nông nghiệp, lâm nghiệp trước ngày 30/9/2022, nhưng đến nay mới thi công thông tuyến được 26,23 Km. Nguyên nhân là do công tác GPMB còn vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mặt bằng bàn giao không liên tục nên khó khăn cho công tác triển khai thi công. Thời tiết mưa nhiều nên khó khăn trong công tác triển khai thi công đào, đắp nền đường...
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và các địa phương thì nguyên nhân công tác GPMB chậm là do: Công tác xác nhận nguồn gốc, rà soát nhân khẩu và tỷ lệ thu hồi đất của các địa phương còn chậm (đặc biệt đến nay công tác xác nhận nguồn gốc đất nông nghiệp, đất rừng ở một số địa phương còn chưa thực hiện xong). Một số hội đồng GPMB chưa quyết liệt trong công tác kiểm kê, áp giá, trình thẩm định phê duyệt, vận động chi trả tiền để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Về tiến độ thực hiện dự án, theo hợp đồng là 48 tháng; bắt đầu từ tháng 02/2022, kết thúc tháng 02/2026. Sở Giao thông Vận tải đang tập trung chỉ đạo thi công trong 30 tháng, hoàn thành vào quý II/2024. Đối với phần tuyến, dự kiến hoàn thành trong quý II/2024 (30 tháng). Phần cầu dự kiến hoàn thành trong tháng 02/2024 (24 tháng).
Tại công trường, các đơn vị thi công đang tập trung máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai thi công. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, các gói thầu cơ bản đang đáp ứng tiến độ đề ra. Trong đó, gói thầu số 1 từ Km7+00 - Km48+250, hiện nay các nhà thầu đang triển khai thi công 4/5 cầu (riêng cầu nhỏ Tân Long đang vướng mặt bằng nên chưa triển khai) và triển khai 7 mũi thi công phần tuyến tại các đoạn đã bàn giao mặt bằng, giá trị thực hiện đạt 23%. Gói thầu số 2, từ Km48+250 - Km76+00, hiện các nhà thầu đang triển khai thi công 3/3 cầu, 05 mũi thi công phần tuyến tại các đoạn đã bàn giao mặt bằng. Đối với phần tường chắn biển, đang triển khai 5 mũi thi công, giá giá trị thực hiện đạt 33,74%.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông vận tải và các nhà thầu thi công đã phấn đấu để hoàn thành tiến độ đề ra, tuy nhiên cần phải tập trung cao hơn để đáp ứng tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, dự án đường ven biển là công trình trọng điểm của tỉnh, vẫn còn vướng mắc. Vì vậy, các địa phương phải tập cao độ để giải phóng mặt bằng trên chiều dài gần 17km còn lại. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương huyện Diễn Châu trong công tác GPMB để thực hiện dự án.
Đối với các nhà thầu thi công, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt đối với các vị trí đã được bàn giao mặt bằng thì cần tiến hành thi công để thực hiện cam kết của chủ đầu tư, đảm bảo chất lượng dự án.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành quan tâm hỗ trợ các địa phương trong công tác GPMB. Cụ thể, Sở Tài chính có các giải pháp để hỗ trợ địa phương trong công tác GPMB; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu để UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất của các huyện; hỗ trợ các địa phương trong việc xác định giá để thực hiện công tác GPMB. Tỉnh đang đặt quyết tâm cao để hoàn thành giải ngân toàn bộ nguồn vốn được TW phân bổ trong năm 2022 đối với dự án đường ven biển
Lê DungTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.