Nghệ An: Đề xuất quy hoạch mở rộng TP. Vinh
Tỉnh Nghệ An vừa đề xuất mở rộng TP. Vinh bao gồm TX. Cửa Lò và 9 xã của huyện Nghi Lộc
- Nghệ An: Ban hành Quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư
- Nghệ An: Đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát thực địa một số dự án trọng điểm tại Nghệ An
- Nghệ An: Phê duyệt 9 ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ
- Quan hệ hợp tác Nghệ An - CHDCND Lào: Vun đắp tình hữu nghị anh em Việt - Lào
Theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Quyết định số 52 và Quyết định số 827 của Thủ tướng Chính phủ, việc mở rộng thành phố Vinh và thành lập các phường thuộc thành phố Vinh là phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Qua đó, xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh; trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh.
UBND tỉnh Nghệ An vừa họp và thống nhất phương án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP.Vinh. Trong số 5 phương án được tổ soạn thảo đề xuất, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất chọn phương án 3.
Theo đó, TP. Vinh sẽ mở rộng bao gồm TX.Cửa Lò và 9 xã của huyện Nghi Lộc (xã Khánh Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Vạn).
Với phương án này, diện tích mới của TP.Vinh sẽ là 205,18 km2, dân số 482.000 người, số đơn vị hành chính cấp phường, xã là 41. Tất cả các tiêu chí đều vượt quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Hiện tại, TP. Vinh có diện tích 105 km2, dân số 340.000 người với 25 phường, xã.
Phương án được chọn vẫn phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Vinh đã được Thủ tướng phê duyệt. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ảnh hưởng ít nhất trong 5 phương án. Số lượng cán bộ, công chức dôi dư phải thực hiện bố trí, sắp xếp là ít nhất.
Ngoài ra, phương án còn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là giữ lại địa danh Hưng Nguyên là nơi khởi phát phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, địa danh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Đồng thời, không phải lựa chọn địa điểm mới để xây dựng trung tâm hành chính của huyện Nghi Lộc; giảm chi đầu tư xây dựng mới cho các công trình hạ tầng.
Theo Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, việc xây dựng Đề án mở rộng không gian TP. Vinh phải nằm trong phạm vị nghiên cứu của Quyết định số 52 ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phải tính đến tình hình thực tế, điều kiện để thực hiện, truyền thống văn hóa - lịch sử của các địa phương để điều chỉnh hợp lý.
Được biết, theo Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với quy mô dân số quy hoạch dự báo đến năm 2030 khoảng 900.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm 90%. Tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 250 km2.
Đô thị Vinh sẽ phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Được chia thành 4 phân vùng trong đó có 3 phân vùng phát triển đô thị và 1 phân vùng là khu vực liên kết.
Theo đó, khu vực đô thị trung tâm, gồm TP. Vinh hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Hưng Nguyên, với diện tích 110,27 km2, dân số khoảng 559.000 người. Có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đầu mối về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao và các khu đô thị mới.
Khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc. Với diện tích khoảng 41,99 km2, dân số khoảng 200.000 người. Là đô thị du lịch biển, đồng thời phát triển các khu đô thị mới có trọng tâm về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng.
Khu vực đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam, với diện tích khoảng 25,37 km2, dân số khoảng 54.000 người. Là trung tâm công nghiệp và đầu mối vận tải hàng hóa, đồng thời phát triển các khu đô thị mới với định hướng phát triển.
Vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven, với tổng diện tích khoảng 72,37 km2, dân số khoảng 87.000 người, phát triển theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề, kết hợp du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp năng suất cao.
Về định hướng phát triển các khu chức năng, TP. Vinh sẽ quy hoạch trung tâm hành chính theo khu vực đô thị hiện hữu và hình thành các trung tâm hành chính mới tại các khu vực phát triển đô thị mới. Hoàn thiện, nâng cấp viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản xuất công nghiệp công nghệ cao; xây dựng mới Công viên phần mềm và Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật; phát triển tổ hợp khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ; cải tạo, nâng cấp các mạng lưới các trường đại học hiện có và các trường học phổ thông các cấp tại các khu vực đô thị và nông thôn theo quy chuẩn; hình thành mạng lưới khám chữa bệnh có tính chất đa khoa và chuyên khoa, phát triển xây dựng mới các bệnh viện chuyên ngành…
Tập trung phát triển trọng điểm du lịch Cửa Lò, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cửa Lò - Đảo Ngư. Phát triển các điểm du lịch, các khách sạn cao cấp, các Trung tâm lữ hành tại khu vực Vinh. Xây dựng, hình thành các tuyến du lịch sinh thái và đầu tư phát triển nông nghiệp năng suất cao.
Thái QuảngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.