Nghệ An: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch.

Địa phương
06:33 PM 15/05/2022

Đền Đức Hoàng ( huyện Yên Thành) là địa danh văn hóa lịch sử gắn với tên tuổi của anh hùng dân tộc Hoàng Tá Thốn – vị tướng thời nhà Trần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ 13. Mới đây, Đền Đức Hoàng được UBND tỉnh công nhận là Điểm du lịch đối với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đền Đức Hoàng nằm trên địa bàn xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, là một trong những di sản văn hóa của tỉnh Nghệ An. Xã Phúc Thành được coi là miền "đắc địa" nơi quần sơn, tụ thủy, tích đức, sinh tài. Nơi đây nằm trong vùng giao thoa giữa nền văn hóa Bắc – Nam, có núi sông thơ mộng, dân cư đông đúc và thuần hậu. Các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng sớm xuất hiện ở Phúc Thành có tính chất tiêu biểu cho vùng văn hóa tâm linh của huyện Yên Thành. Nổi bật hơn cả là đền Đức Hoàng (Hoàng Long từ). Trong đền hiện còn lưu giữ được 2 đạo sắc do vua Tự Đức phong (một sắc năm 1852 và một sắc năm 1886), cả 2 đạo này đều ghi "Hoàng Long chi thần".

Đền Đức Hoàng thờ Thần Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, võ tướng thời Trần, sinh tại làng Vạn Phần, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Thời niên thiếu, ngài có sức khỏe hơn người, vật giỏi, có tài bơi lội. Vào đời vua Trần Nhân Tông năm Thiện Bảo 1285 nước ta bị giặc Nguyên - Mông xâm lược. Hoàng Tá Thốn nghe theo lời gọi cứu nước của triều đình lên đường đánh giặc. Với tư chất thông minh, mưu trí và có tài bơi lội nên ngài được một tướng chỉ huy tiến cử lên Hưng Đạo Vương và được vào thủy quân thiện chiến của nhà Trần. Sau thời gian luyện tập, thấy Hoàng Tá Thốn có tài, đức và dung mạo khác thường đúng như lời truyền tụng nên Trần Hưng Đạo đã đưa ông về làm nội gia đồng tử và huấn luyện thêm về binh thư, binh pháp. Ông có nhiều công lao lớn trong đánh giặc ngoại xâm, lừng lẫy nhất là cuộc chiến trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tý 1288. ông được giao trọng trách thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu, thuyền, dùng chiến thuật đục thuyền địch. Quân Nguyên Mông đại bại, tướng giặc Thoát Hoan chạy về nước, tướng giặc ô Mã Nhi bị bắt sống. Sau chiến thắng Bạch Đằng, vua Trần Nhân Tông sắc phong ông là Hải Đại tướng quân thống lĩnh các đạo thủy quân coi giữ 12 cửa biển.

Nghệ An: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch. - Ảnh 1.

Ngoại cảnh Đền Đức Hoàng

Ngoài thờ Thần Sát Hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, đền Đức Hoàng còn thờ Bạch Y công chúa, là con gái của vua Hồ Quý Ly; thờ Phật Thích ca, công chúa Liễu Hạnh và thờ thần rắn. Sự thờ phụng trong đền giữa các bậc tiền nhân có công giữ nước với Phật, Thánh Mẫu tạo nên "tam giáo đồng nguyên", như một sự giao hòa giữa trời, đất, núi sông, giữa tâm linh và trần thế. Vì thế, đền Đức Hoàng được người dân trong vùng và các vùng lân cận xem là địa chỉ tâm linh hết sức linh thiêng, mỗi ngày đón hàng trăm du khách đến chiêm bái. Đặc biệt, ngày 24/1/1998, đền đã được Bộ VH – TT công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Từ những giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử của Đền Đức Hoàng, cùng với vị trí ngôi đền tọa lạc bên hồ Diệu ốc, một trong tám cảnh đẹp của đất Đông Thành thuở trước (Đông Thành bát cảnh), đền Đức Hoàng đã được đưa vào quy hoạch nằm trong tour  du lịch "vàng" của tỉnh Nghệ An từ tháng 12/2015

Và mới đây, tại Quyết định số 1285/QĐ.UBND ngày 12/5, UBND tỉnh công nhận Điểm du lịch đối với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Nghệ An: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch. - Ảnh 2.

Một phần nội cảnh Đền Đức Hoàng

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Thành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc quản lý Điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng với các nội dung. Cụ thể: Bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho du khách đến tham quan; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các phương tiện vận chuyển khách tham quan, du lịch.

Cùng với đó, ban hành quy chế, nội quy quản lý và khai thác Điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản có liên quan; xây dựng nội dung thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu nhằm phát huy giá trị Điểm du lịch. Đồng thời, huyện Yên Thành cần khắc phục các tồn tại tại Biên bản thẩm định ngày 28/4/2022 và duy trì những tiêu chí đã được thẩm định theo quy định tại Quyết định số 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghệ An: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch. - Ảnh 3.

Lễ hội Đền Đức Hoàng được tổ chức vào cuối tháng giêng hàng năm.

UBND tỉnh giao Sở Du lịch hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND huyện Yên Thành thực hiện các nội dung được giao trên; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch đối với Điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đức Hoàng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Các Sở, ngành: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Yên Thành triển khai thực hiện công tác quản lý Điểm du lịch theo quy định hiện hành.

Nghệ An: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Đức Hoàng được công nhận là Điểm du lịch. - Ảnh 4.

Đầm sen Diệu Ốc trải chiều dài hơn 1 km, tạo nên vẻ đẹp thanh nhã bên ngôi Đền cổ.

Theo sách ghi chép lời kể của các hào trưởng, lý trưởng (chép năm 1824) còn lưu giữ tại đền và một số tài liệu khác thì đền Đức Hoàng được khởi dựng từ thời nhà Trần trên một địa thế cao, thoáng, râm mát, cửa đền trông ra hồ Diệu ốc. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ đơn sơ, đến năm 1505 mới được xây tường, lợp ngói tòa thượng điện; năm 1882 xây tòa trung điện và đến năm 1936 xây thêm nhà hạ điện. Qua tu bổ, sửa sang, đến nay, cảnh quan cũ của đền có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. Đặc biệt là nghệ thuật trang trí, đắp phù điêu, tạc tượng ở đền đã đạt đến trình độ cao trong sáng tác nghệ thuật thần sắc, phong thái, trang phục của các hình tượng được lột tả, thể hiện một cách cụ thể, sinh động, màu sắc trang nhã, tạo dáng thanh thoát, tạo nên cho ngôi đền vẻ đẹp linh thiêng, ví dụ như tượng voi, ngựa trước sân đền, các mảng trang trí tam sơn, con giống ở trước hạ điện và chồng diêm, tượng quan võ ở trước hậu cung.

Đến đền Đức Hoàng, du khách được hòa mình vào không gian trong lành, thoáng mát mà không phải nơi du lịch tâm linh nào cũng có. Giữ được nét riêng này bởi ngôi đền cổ kính được tọa lạc trong một không gian xanh với hệ thực vật phong phú, lâu đời, phía trước là hồ nước rộng, trong mát. Mùa hè, nhất là vào kỳ sen nở rộ, nơi đây đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Vãn cảnh đền trong cảnh non xanh, nước biếc hòa quyện cùng hương sắc của sen đem đến cho mỗi người cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, bình an.

                                                                                                                   Lê Dung

Ý kiến của bạn