Nghệ An: Đoàn công tác tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản
Nằm trong các hoạt động tại chuyến công tác tại Nhật Bản, ngày 20/9, Đoàn công tác tỉnh Nghệ An do ông Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC).
Buổi sáng, Đoàn công tác tỉnh Nghệ An làm việc với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC). Về phía AJC có sự tham gia của ông Kunihiko Hirabayashi - Tổng Thư ký AJC cùng các trưởng Bộ phận của Trung tâm.
Trung tâm AJC là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập bởi các Quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản vào năm 1981. Trung tâm có nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN sang Nhật Bản đồng thời thúc đẩy đầu tư và du lịch; Trao đổi nhân lực giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản thông quá các hội nghị, hội thảo, chương trình nâng cao năng lực, nghiên cứu và phân tích chính sách, các sự kiện ngoại giao văn hóa, dịch vụ xuất bản và thông tin cùng nhiều hoạt động khác.
Ông Kunihiko Hirabayashi rất vui mừng được đón tiếp Đoàn công tác và chia sẻ hiện nay Việt Nam là quốc gia có các hoạt động chung với Trung tâm AJC nhiều nhất trong các quốc gia Đông Nam Á, ông đánh giá cao sự tích cực của các địa phương trong việc chủ động tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn đến lãnh đạo cùng cán bộ của AJC đã dành thời gian tiếp Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An và hỗ trợ kết nối, đồng hành cùng tỉnh Nghệ An trong công tác tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, đặc biệt nhấn mạnh những tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và thương mại. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và chính sách đầu tư hấp dẫn, Nghệ An đang trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Nhật Bản.
Trong buổi làm việc, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề hợp tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất một số lĩnh vực mà tỉnh mong muốn hợp tác với AJC, bao gồm kêu gọi thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tiềm năng và thế mạnh về du lịch, kết nối, trao đổi du lịch giữa Nghệ An và Nhật Bản.
Đặc biệt, tỉnh Nghệ An mong muốn AJC hỗ trợ trong việc kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái…Thông qua buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bùi Thanh An cũng bày tỏ mong muốn AJC hỗ trợ tỉnh trong việc tham gia Expo 2025 do Cục Triển lãm quốc tế tổ chức tại Osaka, Nhật Bản.
Lãnh đạo AJC đánh giá cao những đề xuất hợp tác từ phía Nghệ An và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong thời gian tới. AJC sẽ xem xét các chương trình hỗ trợ phù hợp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Lãnh đạo AJC cũng đề nghị hai bên duy trì kênh liên lạc thường xuyên để trao đổi thông tin và thúc đẩy hợp tác hiệu quả.
Buổi làm việc giữa tỉnh Nghệ An và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản đã diễn ra thành công tốt đẹp, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai bên. Đây là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự hợp tác sâu rộng giữa tỉnh Nghệ An và AJC, không chỉ là cơ hội để tỉnh Nghệ An tìm hiểu và tiếp cận những kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, tại Tokyo, Nhật Bản, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Nghệ An năm 2024.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Minh - Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ông Kunihiko Hirabayashi - Tổng Thư ký AJC, cùng đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản. Về phía tỉnh Nghệ An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, các nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nghệ An. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, những người đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của Nghệ An. Ông khẳng định Nghệ An đang từng bước trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất tại Việt Nam, với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn.
Nghệ An đang chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và du lịch. Nghệ An đang trở thành một "mảnh đất lành" cho các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh lâu dài và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn được đón nhận sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và du lịch, điện & điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ chất bán dẫn, ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến thực phẩm & đồ uống (F&B), nội thất, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), các ngành công nghiệp hỗ trợ khác,...
Hội nghị này đã được cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật quan tâm, đã có 12 câu hỏi đăng ký trước Hội nghị và 6 câu hỏi trực tiếp tại Hội nghị, các nhóm câu hỏi gồm: Chính sách thu hút đầu tư vào Nghệ An và các KCN; Điều kiện hạ tầng kết nối, logicstic; Chính sách thu hút lao động và vấn đề nhà ở cho người lao động; Chính sách về thu hút đầu tư hạ tầng KCN; Chính sách về cải cách thủ tục hành chính, an ninh, an toàn cho nhà đầu tư vào tỉnh Nghệ An… Các nhóm câu hỏi đã được lãnh đạo UBND tỉnh và các nhà đầu tư hạ tầng trả lời một cách thỏa đáng, cụ thể.
Đại diện Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và lãnh đạo Trung tâm ASEAN Nhật Bản (AJC) đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với Nhật Bản.
Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Nhật Bản – Việt Nam đạt gần 45 tỷ USD, phục hồi gần bằng trước đại dịch. Trong đó, riêng tỉnh Nghệ An, có 15 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư gần 190 triệu USD với nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng.
Kết quả này được hội tụ từ nhiều nguyên nhân, trước hết và quan trọng nhất là từ Trung ương đến các địa phương Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đã luôn nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hài hoà lợi ích, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế và đáp ứng các thông lệ tốt trên thế giới về khuyến khích và bảo hộ lợi ích các nhà đầu tư.
Với sự hỗ trợ từ JETRO và AJC, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư tại Nghệ An cũng như nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại tỉnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản đã được cung cấp thông tin chi tiết về các dự án kêu gọi đầu tư, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Nghệ An, cũng như những chính sách ưu đãi đặc biệt mà tỉnh dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (Hoàng Mai, WHA, VSIP) cũng đã giới thiệu về hạ tầng Khu công nghiệp của mình, về môi trường, chính sách, lợi thế và chia sẻ kinh nghiệm khi đầu tư vào KCN.
Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các dự án đầu tư tại Nghệ An, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin và nông nghiệp sạch. Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị được tìm hiểu thêm và mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với tỉnh.
Thái QuảngTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.