Nghệ An: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng
Góp ý về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng sửa đổi Luật sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; đồng thời, hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch.
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều. Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật là hoạt động cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ban hành ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011), đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới.
Ông Nguyễn Văn Thủy (Phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Quản lý thị trường) đề nghị "tổ chức" vào nội dung khoản 1 Điều 3 "Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình". Về quyền của người tiêu dùng (Điều 16), thực tế cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Tại điểm d khoản 1 Điều 16 quy định điều cấm như sau: "Yêu cầu người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng", nhìn chung các giao dịch mua bán hàng hóa hàng ngày, thông thường nếu áp dụng quy định này thì có thể sẽ không thực sự phù hợp. Trong trường hợp quy định buộc phải có thỏa thuận trước với bên cung cấp dịch vụ/bán hàng là thực sự cần thiết thì đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định này vì có thể xảy ra nhiều vi phạm mà không có cơ chế phù hợp và không đủ nguồn lực để đảm bảo việc giám sát, xử lý hiệu quả.
Đối với trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (Điều 20), đồng chí Nguyễn Văn Thủy bày tỏ băn khoăn: Quy định tại khoản 2 Điều 20 của Dự thảo chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp lý ở chỗ không rõ tiêu chí nào để nhà quản lý xác định được "sự phù hợp" của hàng hóa, dịch vụ đối với "các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất"; đề nghị cần cân nhắc quy định này.
Đối với khoản 1 Điều 72 Thông báo thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện, đề nghị cân nhắc sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm đưa thông tin về vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
Tại đây, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật nào có liên quan. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, các đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng. Trong dự án Luật cần quy định rõ hơn về sự cần thiết phải có sự đồng ý của người tiêu dùng khi cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu trữ, trao đổi trong giao dịch thương mại điện tử. Việc làm này cũng là để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng khi có bên thứ 3 sử dụng thông tin của họ không đúng mục đích.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Minh Tú đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 như sau: "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về sản xuất và tiêu dùng bền vững tại địa phương".
Tại khoản 1 Điều 36, dự thảo quy định "Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để được xử lý theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, để yêu cầu của người tiêu dùng được đảm bảo kịp thời, đề nghị xem xét bổ sung thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Kết luận hội nghị, bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ gửi đến tới các cơ quan soạn thảo Luật của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội.
Ngọc TúTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.