Nghệ An: Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và đất đai trên địa bàn
Sáng 22/11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; và “Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021”.
- Huyện Kỳ Sơn: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8
- Nghệ An: Vui ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại xã Tà Cạ
- Nghệ An: Máy tính cho em - vui học mỗi ngày
- Nghệ An: Thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư
- HĐND tỉnh Nghệ An giám sát chuyên đề quản lý nhà nước về khoáng sản tại Quỳ Hợp
Các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản
Thực hiện Chương trình Giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2022, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế một số doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, làm việc trực tiếp với các đơn vị: UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện: Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Thanh Chương; giám sát qua báo cáo đối với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hoạt động khoáng sản khác.
Theo đánh giá của Đoàn, qua giám sát cho thấy, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản đã đạt được những kết quả nhất định. Các khoản thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động khoáng sản được quản lý và thực hiện theo quy hoạch phê duyệt. Công tác cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan được thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản. Một số địa phương đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác và vận chuyển khoáng sản. Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản đã cơ bản chấp hành các quy định của nhà nước, thực hiện thăm dò, khai thác theo giấy phép được cấp, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Một số doanh nghiệp bước đầu đã đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ chế biến, tận thu tối đa nguồn khoáng sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và tích cực hỗ trợ, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương.
Từ năm 2016 đến năm 2021, UBND tỉnh đã tiếp nhận 25 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, trong và sau các kỳ họp HĐND tỉnh chủ yếu phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép theo phản ánh, đồng thời trả lời đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm, khởi tố nhiều vụ án, nhiều bị can liên quan đến hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, thực tế công tác quy hoạch khoáng sản nói chung, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nói riêng trên địa bàn tỉnh chưa phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như chưa có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguyên liệu khoáng sản cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Việc khoanh định các khu vực hoạt động, tạm thời cấm, cấm hoạt động khoáng sản để quản lý, cấp phép chưa được đưa vào quy hoạch đầy đủ, kịp thời. Một số điểm mỏ được quy hoạch cấp phép còn gần với khu dân cư, đường giao thông gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra, theo xu hướng phức tạp tại một số địa phương; các hoạt động khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, ô nhiêm môi trường, kết cấu hạ tầng xuống cấp, mất an toàn giao thông,...
Quy trình thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật về khoáng sản còn nhiều thủ tục. Vẫn còn tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản còn chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; việc xử lý các vi phạm pháp luật có nội dung còn chưa nghiêm.
Thực hiện thu hồi đất đối với 2.446 công trình, dự án
Đối với chuyên đề “về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021”, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã đi khảo sát thực tế một số công trình, dự án, làm việc trực tiếp với UBND các huyện: Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương, Sở Tài nguyên và Môi trường; giám sát qua báo cáo đối với UBND: Thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, các huyện: Hưng Nguyên, Diễn Châu.
Qua giám sát cho thấy, quy trình rà soát, tổng hợp danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản đã được UBND cấp huyện tuân thủ quy định và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở kết quả tổng hợp, đề xuất của UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể danh mục công trình, dự án và hồ sơ kèm theo; báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các công trình, dự án đảm bảo đúng quy định và tiêu chí đã đề ra.
Việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021 cơ bản kịp thời, đúng quy định.
Giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh đã báo cáo trình HĐND tỉnh ban hành 15 Nghị quyết về thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai và 16 Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đã có 5.789 công trình, dự án với tổng diện tích 15.491,34 ha đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương thu hồi đất. Trong đó, đã thực hiện thu hồi đất đối với 2.446 công trình, dự án (đạt tỷ lệ 42,25 %) với tổng diện tích 4.802,4 ha (đạt tỷ lệ 31%).
Có 3.389 công trình, dự án được HĐND tỉnh cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng 3.862,55 ha đất trồng lúa; 343,56 ha đất rừng phòng hộ và 5,57 ha đất rừng đặc dụng. Trong đó, đã thực hiện 1.298 công trình, dự án (đạt tỷ lệ 38,3%), chuyển mục đích sử dụng 1.404,54 ha đất trồng lúa (đạt tỷ lệ 36,36%); 190,71 ha đất rừng phòng hộ (đạt tỷ lệ 55,5%) và 4,47 ha đất rừng đặc dụng (đạt tỷ lệ 80,25%).
Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đã tạo điều kiện cho các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, kết quả thực hiện danh mục công trình, dự án, diện tích thu hồi, chuyển mục đích tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh đạt tỷ lệ thấp, kể cả về danh mục dự án cũng như diện tích đất thu hồi; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh thực hiện còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa được thường xuyên..
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất.
Cần thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch khoáng sản
Tiếp thu những nội dung Đoàn giám sát đã chỉ ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh phù hợp với các quy định mới của Trung ương, tình hình thực tế tại địa phương và đối với từng lĩnh vực cụ thể để khắc phục những hạn chế. tồn tại đã được Đoàn giám sát chỉ ra.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đối với nội dung “thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Cùng với đó, cập nhật các quy định pháp luật về đất đai; triển khai thực hiện cụ thể hóa quy định của Luật; phối hợp thẩm tra chặt chẽ các nhu cầu thực tế để các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bảo đảm tính khả thi cao nhất, trong đó đánh giá lại việc thực hiện các Nghị quyết, nếu có những quy định còn bất cập thì đề xuất bổ sung thay thế. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đối với những khu đất còn khó khăn, vướng mắc khách quan thì tìm giải tháo gỡ, còn những khu đất, dự án do nguyên nhân chủ quan như năng lực, tài chính không có kế hoạch thực hiện, kéo dài trong nhiều năm thì kiên quyết thu hồi. UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng hệ thống thông tin đất đai, gắn dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư.
Đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh bám sát quy hoạch của tỉnh để xây dựng quy hoạch về khoáng sản, trong đó quan tâm đến đánh giá, phân loại trữ lượng khoáng sản để có lộ trình khai thác phù hợp. Cùng với đó, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các thủ tục được thực hiện chặt chẽ đúng theo quy định, cần phải đảm bảo năng lực của nhà thầu, công nghệ đưa vào khai thác. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với các kiến nghị của các địa phương, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trình HĐND tỉnh xem xét quy định phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên quan đến nguồn thu phí bảo vệ môi trường từ hoạt động khoáng sản, khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp hơn để đảm bảo kinh phí cho các địa phương.
Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.