Nghệ An: Doanh nghiệp xây dựng được “cởi trói” quy định về cần cẩu tháp
Sau hơn 04 năm thực hiện quản lý hoạt động cần cẩu tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, đã phát lộ nhiều bất cập nên mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về "Ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An" có nhiều điểm mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng được "cởi trói" quy định về cần cẩu tháp.
Ngày 11/11/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 7930/UBND-CN về việc xử lý vướng mắc trong quản lý hoạt động của cần cẩu tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn. Văn bản nêu rõ: Đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng về việc dừng áp dụng Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 28/11/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý xây dựng đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Như vậy, sau hơn 04 năm thực hiện quản lý hoạt động cần cẩu tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An đã cho thấy nhiều bất cập. Theo Chỉ thị 18/CT-UBND, khi sử dụng cần trục tháp (cẩu tháp) yêu cầu phải đảm bảo an toàn, phải lựa chọn chủng loại phù hợp với địa điểm xây dựng, thuận lợi cho công tác thi công, được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiếm định định kỳ trong quá trình sử dụng; Các bộ phận của cẩu tháp khi vận hành hoặc không vận hành đều không được vươn ra khỏi phạm vi đất thực hiện dự án được giao cho chủ đầu tư. Đặc biệt tuyệt đối không sử dụng cần trục tháp (cẩu tháp) nếu xung quanh công trường có khu dân cư hoặc khu vực có hoạt động của cộng đồng, dân cư.
Thời điểm Chỉ thị 18 của UBND tỉnh có hiệu lực, UBND thành phố Vinh đã tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp trên địa bàn và phát hiện có tới 17/21 công trình có vi phạm theo quy định của Chỉ thị 18. Trong đó, vi phạm chủ yếu tại các công trình là chủ đầu tư sử dụng, vận hành cần cẩu tháp vươn ra ngoài khu đất của dự án, gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự xây dựng này nên 17 dự án xây dựng tại thành phố Vinh (Nghệ An) bị đình chỉ thi công. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã làm công văn cầu cứu đến UBND tỉnh và các cấp ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn bởi thiệt hại do bị đình chỉ là không nhỏ cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Tại mục 5 điều 4 Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 của Bộ Xây dựng ghi rõ: "Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động, máy và thiết bị thi công phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn. Trường hợp khi hoạt động, thiết bị thi công vượt khỏi phạm vi mặt bằng công trường thì chủ đầu tư phải phê duyệt biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình trong, ngoài công trường chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng. Trường hợp do điều kiện thi công, thiết bị phải đặt ở ngoài phạm vi công trường và trong thời gian không hoạt động nếu các thiết bị thi công vươn ra khỏi phạm vi công trường thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của địa phương".
Ngày 17/12/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về "Ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bị bãi bỏ. Quyết định này quy định nguyên tắc, phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Điều này cho thấy sự thấu đáo của các cấp, ban, ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng có sử dụng cần trục tháp (cẩu tháp) để thúc đẩy tăng trưởng xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.
Quảng BìnhĐể kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.