Nghệ An: Đối thoại doanh nghiệp, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024

Địa phương
04:11 PM 07/03/2024

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe, trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2024.

Theo báo cáo, năm 2023, hoạt động xuất khẩu mặc dù tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm trước, vượt 8,2% kế hoạch năm. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch 2,44 tỷ USD, tăng 11,67% so với năm 2022, đạt 97,8% kế hoạch năm.

Nghệ An: Đối thoại doanh nghiệp, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị

Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2022 như,: Linh kiện điện tử đạt 430 triệu USD, tăng 10,1%; xi măng đạt 220 triệu USD, tăng 13,2%; hàng thủy sản đạt 148,6 triệu USD, tăng 61,7%; tôn, thép các loại đạt 268,8 triệu USD, tăng 17,5%; giày dép các loại đạt 105,3 triệu USD, tăng 68,1%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 55,2 triệu USD, tăng 66,5%; gạo đạt 24,1 triệu USD, tăng 88,8%... Đáng chú ý, tỷ lệ hàng hoá xuất khẩu qua chế biến tiếp tục tăng, nhất là hàng vật liệu xây dựng, khoáng sản, thuỷ sản chế biến và một số hàng nông sản chế biến như nước hoa quả chế biến.

Cũng trong năm 2023, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đi hơn 152 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (tăng 19 thị trường so với năm 2022). Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với năm 2022, tiêu biểu: Hồng Kông tăng 33,1%; Hàn Quốc đạt 298 triệu USD, tăng 10,8%; Nhật Bản tăng 67%, Hoa Kỳ tăng 4%, Thụy Sỹ đạt tăng 13,5%, Singapore đạt tăng 83%... 

Các thị trường mới liên tục được mở rộng, năm 2023 các doanh nghiệp khai thác mở rộng thêm được 15 thị trường mới so với năm 2022 như: Mozambique, Azerbaijan, Estonia, Serbia, Tunisia, Rwanda, Uzbekistan, Belize, Benin, Malawi, Haiti, Samoa, Kazakhstan, Croatia, Suriname, Botswana,... Có 396 doanh nghiệp (bao gồm 217 doanh nghiệp nội tỉnh và 179 doanh nghiệp ngoại tỉnh) tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An (tăng 46 doanh nghiệp so với năm 2022).

Trong đó, có 12 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 50 triệu USD, 26 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 20 triệu USD. Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tham gia hoạt động xuất khẩu thường xuyên và đạt kim ngạch khá như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Merry&Luxshare Việt Nam, Công ty Luxshare ICT (Nghệ An), Công ty TNHH Viet Glory, Công ty TNHH Kido Vinh, Công ty TNHH Hải An, Công ty Xuri Việt Trung, Công ty May An Nam Matsuoka.

Nghệ An: Đối thoại doanh nghiệp, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024- Ảnh 2.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu

Ngoài ra, năm 2023 cũng được đánh dấu là năm có một số sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia xuất khẩu như: Thủy sản Biển Quỳnh (Xuất khẩu sang Mỹ), Nước mắm Vạn Phần (xuất khẩu sang Nhật Bản)..., Có 07 doanh nghiệp của tỉnh được Bộ Công Thương bình chọn là đơn vị xuất khẩu uy tín của năm 2022, gồm: Công ty CP Vilaconic, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên, Công ty TNHH Merry anh Luxshare (Việt Nam), Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty CP Nafoods Group.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn tỉnh ước đạt 1.276,8 tỷ đồng, bằng 102,15% dự toán và bằng 95,7% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa thực sự bền vững, hiệu quả chưa cao. Hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ lệ còn thấp, tỷ lệ giá trị nội địa hóa trong hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan còn hạn chế. Mặt hàng xuất khẩu tuy đa dạng nhưng quy mô còn nhỏ; nhiều mặt hàng còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước (như tinh bột sắn, hạt tiêu, sản phẩm gỗ ...).

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được cùng những đóng góp quan trọng của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Mặt khác, tích cực đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác xúc tiến xuất khẩu; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tổ chức các đoàn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại tại nước ngoài. 

Thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hoá, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để thông tin giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp.

Nghệ An: Đối thoại doanh nghiệp, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024- Ảnh 3.

Nhân dịp này, có 09 doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xuất khẩu năm 2023.

Đặc biệt, cần phấn đấu để đưa thêm một số sản phẩm của Nghệ An xuất khẩu. Nghiên cứu nhu cầu thị trường để tham mưu sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường trên thế giới. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ, tư vấn, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại kế hoạch của UBND tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Minh Tú
Ý kiến của bạn