Nghệ An: Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Mai Hắc Đế
Tối 3/2, tại Khu lăng Vua Mai Hắc Đế ( huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Mai Hắc Đế, Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713 - 2023) và Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Tấn Sang - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Hà Tĩnh.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, cùng đông đảo du khách và bà con nhân dân.
Trong chiều dài của lịch sử dân tộc, Nghệ An được xem là đất "trọng trấn" của quốc gia, được nhiều triều đại dựa vào để chống giặc, giữ nước và dựng nên đại nghiệp. Ngay trong thời kỳ chống Bắc thuộc, vùng đất này đã ghi dấu ấn đậm nét của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 1310 năm, gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan (sử gọi ông là Mai Hắc Đế tức ông Vua Đen họ Mai), lật đổ ách thống trị của nhà Đường, giành lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc sau nhiều thế kỷ bị các thế lực phong kiến phương Bắc đô hộ, thống trị.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, ở núi Vệ và trong thung lũng Hùng Sơn (nay thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), là một công trình kiến trúc tiêu biểu mà nhân dân cả nước nói chung, người dân xứ Nghệ nói riêng đã tri ân, hương khói thờ phụng vị anh hùng dân tộc suốt nhiều thế kỷ qua. Quần thể gồm nhiều hạng mục di tích đều nằm ở trung tâm căn cứ địa xưa của cuộc khởi nghĩa. Nơi mảnh đất đã chứng kiến những năm tháng rất đỗi hào hùng mà thấm đẫm máu xương của vua Mai Hắc Đế và ba quân tướng sỹ trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu oanh liệt của dân tộc.
Điều đặc biệt là dù đã trải qua hàng nghìn năm, di tích vẫn tồn tại và song hành với lễ hội đặc sắc gắn với các truyền thuyết về vua Mai Hắc Đế lừng danh và được tổ chức hàng năm trang trọng, linh thiêng, là minh chứng sâu sắc cho vai trò, vị trí của Mai triều trong lòng dân chúng cũng như dấu ấn của một thời kỳ lịch sử hào Y
Ý nghĩa và đặc biệt hơn, trong mùa Xuân Quý Mão 2023, cùng với kỷ niệm 1.310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, Khai mạc Lễ hội Đền Vua Mai, Đền thờ Mai Hắc Đế vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa, là niềm tự hào to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An.
Việc di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn phát huy các giá trị lâu dài cho di tích.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ôn lại thân thế, sự nghiệp của Mai Thúc Loan; ý nghĩa, giá trị trường tồn của sự kiện Mai Thúc Loan xưng Đế, dựng xây đất nước cách đây 1.310 năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là dịp để tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những giá trị lịch sử - văn hóa lớn lao của dân tộc được tạo dựng, bồi đắp, đánh đổi cả bằng máu xương của cha ông qua hàng nghìn năm. Dấu ấn lịch sử qua hệ thống di sản văn hóa và ý chí tự cường, độc lập, tự chủ mà cha ông để lại sẽ là sức mạnh tinh thần cho hậu thế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên. Tích cực đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế; mạnh về chính trị và quốc phòng, an ninh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thỏa nguyện ước mong của các bậc tiền nhân.
Tại chương trình, sau khi lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa công bố Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đến lãnh đạo tỉnh và huyện Nam Đàn.
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước,ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Khởi nghĩa Hoan Châu cùng khí phách kiên cường và quật khởi của Mai Thúc Loan đã viết nên trang sử nối tiếp truyền thống hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc ta, để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lòng mỗi người con xứ Nghệ, cũng như của cả dân tộc Việt Nam.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tôn vinh các bậc tiền nhân có công với nước, tôn vinh giá trị di sản văn hóa là việc làm vô cùng ý nghĩa không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn tạo tiền đề cho phát triển tương lai. Khởi nghĩa Hoan Châu cùng khí phách kiên cường, quật khởi của Mai Thúc Loan đã viết nên trang sử nối tiếp truyền thống hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc ta thời kỳ Bắc thuộc, để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong lòng mỗi người con xứ Nghệ và dân tộc Việt Nam.
Hàng nghìn năm qua, truyền thống đó đã trở thành sức mạnh to lớn, không ngừng được các thế hệ người dân Nam Đàn, người dân xứ Nghệ và toàn dân tộc ta kế thừa, phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Về với đất Hoan Châu xưa, quê hương của Vua Mai Hắc Đế, quê hương của Bác Hồ kính yêu, một xứ Nghệ anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng đã thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Đảng bộ đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn huy động nhiều nguồn lực mới cho đầu tư phát triển.
Nhiều công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước. Kết quả đó là sự minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng quyết tâm của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, hướng đến gần hơn với mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Trần Tuấn Anh đã ghi nhận, biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời với mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, khơi dậy, phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn hệ thống đảng bộ, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương để thực hiện đúng nhất, nhanh nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để đưa các Nghị quyết vào cuộc sống; tích cực, sáng tạo hơn nữa khơi dậy mọi tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà, huy động mọi nguồn lực xã hội, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với việc phát triển trên mọi lĩnh vực cần chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, phát huy thế mạnh và khắc phục những nhược điểm của văn hóa, con người Nghệ An nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển nhanh và bền vững.
Ngay sau buổi lễ là Chương trình nghệ thuật "Hào khí Vạn An" gồm 3 chương: Chương I: Sa Nam, đêm đô hộ; Chương II: Hoan Châu tụ nghĩa; Chương III: Xưng đế. Thông qua các tiết mục biểu diễn, các đại biểu và khán giả đã được hòa mình vào không gian mảnh đất Hoan Châu xưa được tái hiện, để hiểu hơn về hành trình tụ nghĩa, viết nên một bài ca hiển hách của sự chính nghĩa, lưu danh muôn thuở trong lòng người.
Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713-2023), đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế và Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023 là hoạt động thiết thực tưởng nhớ, tri ân công lao của Vua Mai Hắc Đế và giá trị lịch sử, tầm ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tôn vinh và khẳng định giá trị của di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu chống xâm lược nhà Đường ở thế kỷ VIII.
Thông qua việc tổ chức Lễ kỷ niệm để giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu quê hương, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương Nghệ An đổi mới và phát triển. Đồng thời, là dịp để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các giá trị văn hóa đặc sắc của huyện Nam Đàn của nhân dân trong và ngoài tỉnh; quảng bá giá trị văn hóa tâm linh của di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế.
Vũ Thái Quảng - Lê DungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.