Nghệ An: Dự án nạo vét hồ thủy lợi hay khai thác khoáng sản?
Dự án nạo vét bùn, đất bồi lắng tại hồ chứa nước Nghi Công ở xã Nghi Công Bắc (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) xuất phát từ thực trạng bất cập của hồ thủy lợi là vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, chưa nói tới quá trình lập và phê duyệt dự án, hiện trạng triển khai thi công trên công trường dự án có nhiều việc cần xem xét chấn chỉnh.
- Nghệ An: Bắt quả tang vụ khai thác đá trái phép quy mô lớn
- Cuộc chiến chống covid-19: Đừng để những nỗ lực… thành bất lực!
- Nghệ An: Cần làm rõ dấu hiệu doanh nghiệp sai phạm hoạt động khai thác khoáng sản?
- Nghệ An: Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi có dấu hiệu trốn thuế và hoạt động sai giấy phép?
- Nghệ An: Sản xuất dăm gỗ dưới chiêu bài chạy thử máy.
Được biết, hồ thủy lợi Nghi Công thuộc xã Nghi Công Bắc (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) do Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Nghệ An quản lý và vận hành. Hồ được xây dựng năm 1953, tổng diện tích lưu vực tới 11,6km2, tổng dung tích Wt=2,5 triệu m3 nước. Hồ thủy lợi này hiện đang cung cấp nước cho hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh trong vùng. Hồ được nâng cấp năm 2016, nhưng đến nay đơn vị quản lý cho rằng cần nạo vét bùn lắng để tăng dung thích nước lưu giữ.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An là doanh nghiệp công ích trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An, là chủ đầu tư dự án, cấp công trình theo quy chuẩn Việt Nam là cấp II. Gói thầu nạo vét lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định, và Công ty TNHH Xây dựng và San lấp mặt bằng Thành Đạt (trụ sở tại số 69 đường Thái Phiên, Giám đốc là ông Trần Văn Nhâm) là đơn vị thực tế hiện nay đang thi công. Dự án này không có gói thầu tư vấn, giám sát. Chủ đầu tư kiêm nhiệm luôn chức năng giám sát.
Thực chất ai là nhà thầu được chỉ định thi công?
Tuy nhiên trong hồ sơ pháp lý đơn vị thi công nạo vét lại là Công ty TNHH AM... Trao đổi xung quanh vấn đề thực chất ai là nhà thầu được chỉ định thi công? Ông Thái Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Nghệ An, cho biết: "Nhà thầu thi công thực tế là Công ty TNHH Xây dựng và San lấp mặt bằng Thành Đạt. Còn trong hồ sơ pháp lý 2 bên thống nhất ký với nhau, sau đó chuyển cho Công ty Thành Đạt".
Theo dự án đã được phê duyệt cũng như hợp đồng với nhà thầu ngày 23/10/2018, khối lượng đất, đá nạo vét là 467.995m3 trên diện tích là 50,6726 ha, thực hiện trong 10 năm, thi công các tháng trong mùa kiệt (từ tháng 4 đến tháng 8). Trong 3 năm đầu được nạo vét 140,399 m3, và 7 năm sau nạo vét 327,596 m3. Trong hợp đồng cũng như Biên bản thương thảo hợp đồng ngày 19/10/2018 giữa chủ đầu tư và nhà thầu, không thấy có điều khoản về thanh toán, trong khi có quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư: "Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn". Vậy quyền lợi của nhà thầu như thế nào ?
Vị trí nạo vét được xác định chi tiết trên bản đồ trong hồ sơ dự án. Theo đó, vị trí nạo vét gần nhất so với thân đập về phía thượng lưu là 150 m. Khu vực nạo vét gồm 4 vùng với khối lượng được nạo vét khác nhau và độ sâu khai thác nông nhất là 0.5m và sâu nhất là 2.6m.
Quan sát thực tế tại công trường nạo vét hồ Nghi Công, Nhóm PV chúng tôi chỉ thấy 2 công nhân vận hành 2 xe xúc đất sét đổ lên các xe tải loại 5 tấn, 7 tấn. Các xe chạy ra cổng công trường nhận phiếu từ 1 công nhân của Công ty thi công. Và sau đó các phương tiện vận tải đất sét chở thẳng tới lò gạch Tuynel Cường Thịnh ở huyện Hưng Nguyên.
Nhiều lần quan sát, Nhóm PV chúng tôi không thấy bóng dáng đại diện của đại diện chủ đầu tư giám sát hoạt động thi công. Công nhân của nhà thầu tự biên tự diễn với các công cụ phương tiện thi công.
Qua kiểm tra trên hệ thống Cục đăng kiểm Việt nam cho thấy, một số phương tiện trong công trường quá hạn đăng kiểm. Các xe ô tô tự đổ biển kiểm soát 37C-142.02 nhãn hiệu Cửu Long đăng ký tên Nguyễn Hồng S đã hết hạn kiểm định từ ngày 15/3/2021. Xe 37C-216.71 nhãn hiệu Forland đăng ký chủ xe là Mai Việt T đã hết hạn kiểm định ngày 26/6/2018. Xe 37C-154.64 nhãn hiệu TMT đăng ký chủ xe là Nguyễn Văn Kh đã hết hạn kiểm định ngày 5/9/2020… Nhiều xe lưu hành đã hết hạn đăng kiểm. Thậm chí có xe 37C-017.87 nhãn hiệu Dong Feng được đăng ký của DNTN Phước Thủy đã hết hạn kiểm định 8/7/2014, còn hầu hết các xe tải vận chuyển đất sét đều thuộc sở hữu của các cá nhân và tổ chức khác, mà không phải của nhà thầu.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi, liệu nhà thầu có đủ năng lực, có đủ điều kiện chỉ định thầu hay không? Các phương tiện quá hạn đăng kiểm không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình thi công, mà còn có khả năng gây mất an toàn giao thông khi lưu thông trên các tuyến đường bộ. Hơn thế nữa, không chỉ quá hạn đăng kiểm mà các xe này còn có dấu hiệu quá tải.
Mặc dù Nhóm PV chúng tôi đã trực tiếp gọi điện phản ánh tới lực lượng CSGT huyện và chính quyền địa phương. Song dư luận rất ngạc nhiên khi những đoàn xe này chạy nhiều tháng qua trên địa bàn huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên, nhưng không hề bị cản trở hay bị kiểm tra?
Trong Quyết định số 76/QĐ-SNNCCTL ngày 13/02/2018 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An phê duyệt phương án thi công và dự toán kinh phí, tại mục 7.1 về vị trí vận chuyển và tập kết có nêu: Toàn bộ đất đá tận thu được tập kết tạm thời tại 2 vị trí có diện tích trung bình 470 x 100 m và 470 x 65 m, dùng máy ủi và máy xúc kết hợp ô tô để đưa đất, đá tận thu tập kết tại khu vực bãi tập kết. Dùng ô tô 5T, 7T vận chuyển đất đá từ bãi vật liệu đến công trình.
Vai trò giám sát của chủ đầu tư ở đâu?
Được biết, trước khi được giao là chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An cũng là nhà thầu khảo sát thiết kế, nhà thầu lập phương án. Nhưng trên công trường, nếu Công ty này không cử nhân lực thực hiện chức năng giám sát, thì liệu công trình có đảm bảo đúng bản vẽ phê duyệt hay không? Theo các ý kiến chuyên môn, việc thi công hồ thủy lợi không đúng bản vẽ có thể gây ra hiện tượng mất nước sau khi hoàn thành công trình, đến lúc đó "thủy lợi" thành "thủy hại". Và nguy cơ này cũng đã được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An nêu ra trong quá trình thẩm tra dự án.
Được biết, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An đã được cấp quyền khai thác khoáng sản là đất sét trong quá trình nạo vét hồ thủy lợi và phải đóng tiền cấp quyền khai thác, cũng như kê khai, quyết toán thuế tài nguyên phải nộp hàng năm.
Trên cơ sở Văn bản số 1551/STNMT-KS ngày 08/04/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, ngày 9/4/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phê duyệt giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Công ty Thủy lợi TNHH MTV Nam Nghệ An, với số tiền là 969,869,000 đồng, nộp một lần cho quyền khai thác trong 3 năm với lượng khoáng sản được khai thác là 140,399 m3.
Căn cứ kê khai, quyết toán thuế tài nguyên hàng năm từ hoạt động nạo vét khoáng sản, sản lương khai thác thực tế hàng năm làm căn cứ để đơn vị khai thác kê khai tiền cấp quyền khai thác (có thể tăng hoặc giảm) và đề nghị điều chỉnh sau khi hoàn thành nạo vét.
Với thiện chí phản ánh thực trạng bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án trên với cơ quan quản lý địa phương là huyện Nghi Lộc, để giám sát quản lý khoáng sản có kết quả tốt nhất, ngày 16/7/2021, Nhóm PV viên chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc. Sau khi trao đổi, vị Chủ tịch huyện này đã hẹn sẽ gọi lại, nhưng đến nay vẫn không liên lạc.
Ngày 19/7/2021, tại UBND huyện Nghi Lộc, Nhóm PV chúng tôi đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện. Về nội dung khoáng sản không có giám sát vẫn được đưa ra khỏi địa bàn huyện, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết: "Việc này tôi chưa biết, tôi sẽ cho kiểm tra ngay…"
Với thực tế thi công và khai thác khoáng sản như phản ánh trên đây, liệu rằng chủ đầu tư có thể giám sát được hoạt động của nhà thầu? Và các hoạt động khai thác khoáng sản có tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật ? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc trong thời gian tới đây.
Thái Quảng - Minh Tú - Lê DungSố liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.