Nghệ An: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Địa phương
03:34 PM 03/11/2022

Mới đây, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 04/01/2018 thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND, ngày 31/01/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 55-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về phát triển du lịch; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND, ngày 22/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Nghệ An: Mạnh mẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghệ An - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường phát biểu tại Hội nghị

Suốt 5 năm qua, hướng tới xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn gắn với phát triển du lịch. 

Cùng với đó, từng bước đa dạng hóa dịch vụ du lịch ở thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển; tăng cường kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, điểm đến lịch sử cách mạng tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu… tạo thành các tour du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tập trung xây dựng các điểm đến du lịch sinh thái gắn với văn hoá vùng đồng bào dân tộc tại các huyện miền Tây để thu hút du khách trong và ngoài nước; xây dựng một số điểm trình diễn Dân ca Ví, Giặm ở huyện Nam Đàn để phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch đạt được một số kết quả nhất định. Trong 5 năm qua, Nghệ An đã kêu gọi đầu tư được các dự án du lịch có quy mô và đẳng cấp, chất lượng cao, như: Tổ hợp vui chơi giải trí và cáp treo Vinpearl Cửa Hội giai đoạn II; tổ hợp khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Lữ của Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Khu du lịch văn hoá thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,…

Giai đoạn 2017-2019, du lịch Nghệ An duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định, lượng khách tăng từ 5.959.330 lượt (năm 2017) lên 6.591.000 lượt (năm 2019), trong đó: Khách lưu trú tăng từ 3.850.210 lượt (năm 2017) lên 4.722.000 lượt khách (năm 2019), khách quốc tế tăng từ 109.100 lượt (năm 2017) lên 146.170 lượt (năm 2019). Tuy nhiên, năm 2020 ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến lượng khách biến động, giảm sâu dẫn đến không đạt được mục tiêu về lượt khách và tổng thu từ du lịch đã đề ra.

Nghệ An: Mạnh mẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghệ An - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu

Ngoài ra, sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo được bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để tăng mức chi tiêu của du khách. Kết cấu hạ tầng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, thiếu điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ trọng yếu. Liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cấp huyện với các doanh nghiệp lớn còn hạn chế, chưa có tính bền vững. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp. Tình trạng thiếu hụt nhân lực cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3 - 5 sao, hướng dẫn viên quốc tế, cán bộ quản lý, điều hành các khách sạn, nhà hàng... tiếp tục diễn ra, nhất là sau dịch COVID-19.

Các đại biểu đã tham luận về việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để góp phần vào phát triển du lịch; chia sẻ về hiệu quả kinh tế - xã hội từ mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông khẳng định những kết quả, thành tựu đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 thời gian qua đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của địa phương, là nền tảng quan trọng để tỉnh Nghệ An tiếp tục phấn đấu, nỗ lực phục hồi và phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.

Chỉ rõ và lưu ý về những hạn chế, tồn tại cần phải được khắc phục, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, các cấp, ngành về định hướng của Đảng, Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, nhận thức đúng về tài nguyên du lịch thành một chuỗi liên hoàn, khép kín từ việc kết nối tài nguyên đến việc kết nối du lịch và mở rộng thị hiếu của khách hàng, kết nối du lịch với dịch vụ, với thương mại...

Với các cơ quan quản lý nhà nước, cần phát huy vai trò quản lý, trong đó, quan tâm ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, kích cầu hỗ trợ hoạt động du lịch và doanh nghiệp du lịch; giải quyết xung đột giữa phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển khác; phát triển du lịch gắn với bảo tồn với một số giá trị truyền thống; bảo trợ cho việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch; xây dựng chiến lược phát triển du lịch Nghệ An với tầm nhìn dài hạn.

Nghệ An: Mạnh mẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghệ An - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận hội nghị

Còn với người dân và doanh nghiệp phải đổi mới toàn diện nhận thức về cách làm du lịch, thay đổi tư duy cách phục vụ khách và cách dẫn dắt, định hướng thị hiếu của du khách. Kết nối thông tin và thị trường du lịch với nhau không chỉ trong nội địa mà vươn tầm quốc tế.

"Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhất định, nhất là lĩnh vực du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm qua, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị  trong thời gian tới ở Nghệ An sẽ bứt phá, gặt hái được những kết quả cao hơn, góp phần tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà" - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.  

ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.