Nghệ An: Ghi nhận kết quả trong triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025
Sáng 6/11, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Nghệ An giám sát về “kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Nghệ An (từ năm 2021 đến năm 2023)” đã có buổi làm việc với UBND tỉnh.
- BCH quân sự tỉnh Nghệ An: Kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
- Nghệ An: Phó Chủ tịch tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2024
- Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An
- Nghệ An: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 tăng gần 12%
Giai đoạn 2021 - 2023, căn cứ Luật Đầu tư công và các văn bản có liên quan; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã kịp thời trình HĐND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Các văn bản được ban hành phù hợp với quy định của Trung ương, tình hình thực tế của tỉnh, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ và hiệu quả. Việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm của UBND tỉnh được triển khai kịp thời, cơ bản đáp ứng nhu cầu và dự báo khả năng huy động vốn.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.914,71 tỷ đồng, trong đó: Giao đầu kỳ là 19.768,244 tỷ đồng; Bổ sung trong kỳ là 1.184,39 tỷ đồng; điều chỉnh giảm trong kỳ 37,924 tỷ đồng. Đã phân bổ chi tiết 20.796,59 tỷ đồng, đạt 99,44% tổng kế hoạch; chưa phân bổ 118,12 tỷ đồng (nguồn ngân sách địa phương), chiếm 0,56% tổng kế hoạch.
Số vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Trung ương phân bổ cho các dự án trọng điểm, liên vùng là 4.220 tỷ đồng (3 dự án). Tổng kế hoạch đã bố trí kế hoạch đầu tư công các năm 2021 - 2023 là 13.436,172 tỷ đồng, đạt 64,24% kế hoạch trung hạn. Giải ngân các năm 2021 - 2023 là 12.665,77 tỷ đồng, đạt 94,27% (chưa bao gồm kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024). Các năm 2021 - 2023 đã bố trí vốn đầu tư công cho 407 dự án/KH trung hạn 456 dự án, đạt 89%. Trong đó: đã bố trí kết thúc 223 dự án; 182 dự án đang triển khai thực hiện; 02 dự án đang vướng mắc khó hoàn thành trong năm 2025 theo tiến độ; thực hiện 14 đợt điều chỉnh với 227 lượt dự án/số vốn điều chỉnh 884,31 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác huy động, lồng ghép nguồn vốn cơ bản đạt hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn tăng thu, kết dư hàng năm để hoàn thành các dự án trong kế hoạch trung hạn giao, nhất là các dự án trọng điểm như: Đường ven biển, Đại lộ Vinh- Cửa Lò, đường giao thông nối QL 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ)... Đối với các dự án phát sinh trong kỳ trung hạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu xử lý, góp phần giải quyết các nhu cầu đầu tư bức xúc trên địa bàn.
Do đó, việc triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng, huy động mọi nguồn lực góp phần tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn khác.
Qua giám sát, Đoàn giám sát đánh giá việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương để xây dựng kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm nhiều lần. Việc phân kỳ đầu tư một số dự án chưa phù hợp, chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn đã bố trí; có dự án đã triển khai xây dựng nhiều năm chưa hoàn thành bàn giao đi vào sử dụng nhưng đã xuống cấp, hư hỏng; một số công trình dự án thi công thiếu đồng bộ, gây lãng phí lớn về nguồn lực, hiệu quả đầu tư thấp.
Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển đã có nhiều cố gắng tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đầu tư trên địa bàn; việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương vẫn còn hạn chế. Vẫn còn một số nguồn vốn phân bổ chi tiết chậm so với thời gian quy định như nguồn phân bổ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện dự án. Một số công trình chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đã triển khai xây dựng. Vẫn còn tình trạng một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án nhiều lần làm mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn…
Qua thực tế giám sát, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nói riêng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành để sớm hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; kịp thời đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Mặt khác, kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo liên quan đến đầu tư công và ngân sách (thẩm quyền giao vốn và thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với ngân sách các cấp…). Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước để bố trí kế hoạch vốn, đáp ứng nhu cầu còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục chủ động rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện các trình tự, thủ tục, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đạt kết quả cao nhất.
Chỉ đạo các chủ đầu tư thường xuyên rà soát các bất cập, kịp thời hoàn chỉnh các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương, quyết định đầu tư các dự án (về tiến độ thời gian, quy mô, nguồn vốn…) bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; kịp thời điều chuyển số vốn của các dự án có vướng mắc chưa giải ngân hoặc các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án khác có nhu cầu sử dụng vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư dự án của các cơ quan chủ quản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự án đầu tư công; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án; chấn chỉnh các địa phương, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư không chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật. Rà soát, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ.
Đồng chí Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã điểm lại những thuận lợi, khó khăn trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, trong thời gian qua, việc bố trí vốn đầu tư công của tỉnh có trọng tâm, trọng điểm. Sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo phương châm "Nhận thức đúng tình hình, tìm ra đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp, thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra". Tập trung tháo gỡ các nút thắt: Giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư; khó khăn về nguyên vật liệu, nhân công; năng lực của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập các Tổ công tác, tổ chức các hội nghị để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trình HĐND tỉnh các nghị quyết để điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công; các chủ đầu tư có cam kết về giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công; UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, sát với thực tế và hiệu quả; đã thực hiện phân bổ, lồng ghép, điều chuyển các nguồn vốn; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực.
Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát lại nguồn vốn đầu tư công. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 -2030, trong đó lưu ý đến các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; cập nhật rà soát các quy định của pháp luật; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Minh TúTừ 15h hôm nay (5/12), giá xăng RON 95 giảm 294 đồng/lít, bán ra ở mức 20.563 đồng/lít - mức tương đương hồi tháng 5/2021, trong khi đó giá bán lẻ xăng RON 92 tăng nhẹ.