Nghệ An: Ghi nhận sau 03 năm thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư

Địa phương
07:02 AM 17/12/2023

Sau 3 năm triển khai chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, tỉnh Nghệ An đã đánh giá được những kết quả tích cực và nhận ra những thách thức cần vượt qua để thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới ngày càng chuyển hướng về kỹ thuật số và cách mạng công nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra cơ hội và thách thức cho tỉnh Nghệ An. Với xu thế tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội cho sự phát triển của mỗi quốc gia, địa phương đồng thời cũng tạo ra những thách thức nếu không chuẩn bị nội lực vững chắc.

Trong những năm gần đây, trước những vấn đề môi trường mang tính toàn cầu, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, giảm thiểu rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…

Nghệ An: Ghi nhận sau 03 năm thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư- Ảnh 1.

Công ty Thanh Thành Đạt sử dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí quản lý và nhân công lao động trực tiếp

Để triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc ứng dụng các thành tựu cách mạng 4.0 là hết sức cần thiết. Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần chú trọng các vấn đề như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, tăng cường phát huy tính tuần hoàn trong chuỗi hàng hóa đồng thời đặt ra yêu cầu về việc hoạch định kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác, tiếp cận công nghệ và đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh. Qua thực tế cho thấy tỉnh Nghệ An cần lựa chọn một số ngành, lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ) đồng thời phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế… theo mô hình tuần hoàn.

Những kết quả đạt được

Bám sát các chỉ đạo của chính phủ và các bộ ngành trung ương về Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội một cách đồng bộ. Hiện nay các chính sách về chuyển đổi số của tỉnh cơ bản đã đầy đủ, bao gồm hàng năm, ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt tỉnh đã ban hành nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Nghệ An về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai bài bản, vững chắc, hiệu quả của chuyển đổi số. 

Trong thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành trên 60 văn bản cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, đã ban hành 12 văn bản quan trọng cấp tỉnh và 67 văn bản cấp sở, ban, ngành, huyện về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Hiện nay tỉnh Nghệ An có trung tâm dữ liệu riêng, các ứng dụng dùng chung của tỉnh đa phần được cung cấp bởi dịch vụ lưu trữ và quản lý của doanh nghiệp (chủ yếu là VNPT Nghệ An). Một số cơ quan đơn vị do nhu cầu lưu trữ riêng đã đầu tư hệ thống máy chủ, hiện nay có 240 máy chủ, trong đó có 148 máy chủ ở cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 92 máy chủ ở 21 huyện, thành thị. 

Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng và khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các Bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai. Thực hiện công tác chia sẻ thông tin và giám sát quốc gia tỉnh Nghệ An đã cung cấp 42 địa chỉ IP, 148 tên miền của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đến Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Thông tin Truyền thông tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh. Đồng thời tỉnh đã tập trung xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, thừa kế các hạ tầng thông tin hiện có, vận dụng nguồn lực đầu tư từ các nhà tài trợ (xây dựng trung tâm điều hành thông minh tỉnh Nghệ An, trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố Vinh).

Ngoài ra thương mại điện tử phát triển nhanh, từng bước mở rộng quy mô đến địa bàn cấp huyện, cấp xã; các sản phẩm đặc trưng OCOP của địa phương được quảng bá rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số/ứng dụng CNTT như Email, Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử… để trao đổi, quảng bá thông tin. Hơn 95% sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An đã lên các sàn TMĐT (trong đó: sàn TMĐT Nghệ An 118 sản phẩm; sàn vỏ sò (Viettel): 45 sản phẩm; sàn Postmark (bưu điện Việt Nam): 35 sản phẩm).

Hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ ngày càng được đẩy mạnh. Tính đến năm 2023, tỉnh Nghệ An là một trong 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có nhiều quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh như quỹ TPP, quỹ VSV, Vinacapital, quỹ khuyến công. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chú trọng vào lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Nghệ An bao gồm nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghệ và du lịch.

Nghệ An: Ghi nhận sau 03 năm thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư- Ảnh 2.

Đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ ngày càng được đẩy mạnh

Các tồn tại hạn chế

Nhận thức về chuyển đổi số ở một số địa phương, cơ quan chưa thực sự rõ ràng; chưa định hình được các nội dung triển khai chuyển đổi số trong đơn vị, địa phương, lĩnh vực. Hiện nay tỉnh chưa có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực CNHT và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đồng thời cũng chưa có cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực CNTT chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

Phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do thiếu điện lưới, địa hình phức tạp. Ở khu vực đô thị, một số bộ phận người dân e ngại về ảnh hưởng của sóng điện từ của trạm BTS nên cản trở, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến duy trì và phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số. 

Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại một số sở, ngành, cấp huyện, cấp xã xuống cấp, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến việc triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý và điều hành. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính hiện đang hoạt động không ổn định, chưa đáp ứng đầy đủ chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông và chia sẻ. Cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao, cần cập nhật, làm sạch để thực hiện kết nối và chia sẻ. Hiện nay ngân sách còn khó khăn, do đó kinh phí dành cho chuyển đổi số chưa tương xứng với các nhiệm vụ đặt ra.

Đội ngũ nhân lực về CNTT, chuyển đổi số ở cấp huyện, cấp xã và trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu và yếu, do đó việc triển khai các nội dung về chuyển đổi số đang gặp nhiều khó khăn. Còn thiếu nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, nhất là cho ngành CNTT.

Nghệ An: Ghi nhận sau 03 năm thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư- Ảnh 3.

Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW.

Nguyên nhân

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; cần quá trình thay đổi, sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Do đó, trong thời gian ngắn chưa thể có biến chuyển rõ rệt trong từng ngành, địa phương.

Nhân lực chuyển đổi số còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng chuyên môn, trong khi việc bố trí biên chế công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước của tỉnh rất khó khăn. Nhận thức, trình độ, kỹ thuật, kỹ năng và thói quen của một số doanh nghiệp và người dân trong ứng dụng CNTT, công nghệ số chưa đảm bảo yêu cầu. Trình độ dân trí chưa đồng đều, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn rất hạn chế.

Nhận thức, quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của một số cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Nhiều cơ quan đơn vị chưa mạnh dạn thay đổi phương pháp, cách làm việc truyền thống và lựa chọn hướng đi phù hợp.

Phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng của chuyển đổi số, tuy nhiên việc triển khai trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do cơ chế, chính sách, hướng dẫn chưa cụ thể, nền tảng để tổ chức thực hiện và hệ thống đo lường, đánh giá khu vực kinh tế số, xã hội số chưa thực sự rõ ràng./.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị 4 tháng, lượng ô tô nhập khẩu giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị

Tổng cộng lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.772 chiếc với giá trị 919 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã giảm 17,6% về lượng và 24,2% về giá trị.