Nghệ An: Giải pháp bền vững nào cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng
Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng ở Nghệ An phát triển một cách bền vững, trước hết về phía doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật
- VILACONIC: Đón đầu xu hướng và công nghệ xanh trong sản xuất nhựa tấm PVC
- Nghệ An: Giải pháp nào giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp?
- Thủ lĩnh VILACONIC - “Người lái tàu” vươn ra thế giới
- Công ty Thanh Thành Đạt kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
- Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản
Tiềm năng, lợi thế về tài nguyên rừng!
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc Nam; có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước; có điều kiện tự nhiên với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi cao, miền núi thấp và vùng đồng bằng ven biển. Trong đó, vùng đồi núi chiếm 83% tổng diện tích toàn tỉnh. Nghệ An cũng là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, theo số liệu công bố hiện trạng rừng đến 31/12/2023 tại quyết định số 362/QĐ – UBND tỉnh Nghệ An ngày 27/02/2024, với hiện trạng 961.774,37 ha đất có rừng, trong đó diện tích có rừng tự nhiên 790.352,86 ha, diện tích có rừng trồng 171.421, 51 ha, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33%; tài nguyên rừng ở Nghệ An có hệ sinh thái rừng phong phú, mức độ đa dạng sinh học cao; đặc biệt toàn tỉnh hiện có 548.423,5 ha đất rừng sản xuất, với gần 150 nghìn ha rừng trồng nguyên liệu, với 24.826,39 ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bình quân mỗi năm Nghệ An trồng hơn 19.706 ha, tổng sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác bình quân hàng năm đạt trên 1,7 triệu m3. Đây được xem là cơ sở và tiền đề để Nghệ An phát triển ngành gỗ theo hướng bền vững về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và rất thuận lợi để tỉnh phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Định hướng, quy hoạch hướng đến phát triển bền vững!
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An ổn định ở mức 58%, tương đương với diện tích rừng ổn định 956.216,72 ha; cùng với đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bám sát mục tiêu trong định hướng của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/04/2021; trên cơ sở các điều kiện thực tế của địa phương, Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp với những chính sách chuyên biệt, mang tính đột phá. Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản. Cùng với các chính sách của Trung ương, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai; đặc biệt là đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp gỗ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05/10/2021; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó có chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng bằng cây bản địa; cấp chứng chỉ rừng và UBND tỉnh cũng đã sớm ban hành Quyết định số 3543/QĐ-UBND ngày 22/7/2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2030;
Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định chỉ tiêu đất lâm nghiệp đến năm 2030 của Nghệ An là 1.148,49 nghìn ha, đối với diện tích rừng sản xuất, Nghệ An được quy hoạch đến 607,01 nghìn ha, với 150,35 nghìn ha rừng trồng đã thành rừng; đồng thời hiện nay, Tỉnh cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch chung Khu Lâm nghiệp Ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.
Đây là những định hướng, căn cứ pháp lý quan trọng, nhìn trên tổng thể rừng được quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững; đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường, xã hội, quốc phòng và an ninh, gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Khó khăn, thách thức và những bất cấp của thực tiễn!
Ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển nguyên liệu rừng trồng chưa đồng đều; người dân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa coi trọng phát triển bền vững, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu; các doanh nghiệp chủ yếu khai thác, chế biến và xuất khẩu nguyên liệu thô (chủ yếu là gỗ dăm), chưa có nhiều dây chuyền sản xuất chế biến sâu, chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến, thị trường, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường...mà thời gian vừa qua dư luận, truyền thông, báo chí đã có nhiều phản ánh, kết quả kiểm tra cũng đã được Đoàn liên ngành của Tỉnh chỉ ra, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có những chỉ đạo cụ thể.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh ngành lâm nghiệp, với mục tiêu để ngành trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Pháp luật không quy định hoạt động chế biến gỗ, trong đó có chế biến dăm gỗ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; các hoạt động chế biến gỗ, đặc biệt là hoạt động chế biến dăm gỗ, nguyên liệu gỗ đầu vào chủ yếu là gỗ rừng trồng hợp pháp của người dân trên địa bàn. Vấn để ở đây là chúng ta cần có những hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này thực hiện đầy đủ pháp lý quy định của pháp luật các quy trình, thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường...từ đó để họ có những chiến lược đầu tư lâu dài.
Theo số liệu thống kê toàn tỉnh hiện có khoảng 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, khoảng gần 100 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, ngoài ra còn có hơn 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn với dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền sản xuất ván MDF công suất 130.000 m3/năm là nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn với công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Châu Âu; đặc biệt, trong những năm gần đây Tỉnh đã thu hút một số nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ như Công ty TNHH Biomas Fuel Việt Nam, nhà máy gỗ Thanh Chương (BVN) chuyên sản xuất Viên nén sinh khối từ gỗ rừng trồng với công suất các nhà máy từ 140.000 - 160.000 tấn/năm. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất dăm gỗ đang phát triển khá mạnh mẽ, nhất là dăm gỗ xuất khẩu, trong đó phải kể đến Công ty TNHH Thanh Thành Đạt là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ dăm lớn nhất tỉnh.
Hiệu quả lâu dài, giải pháp bền vững!
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành được UBND tỉnh Nghệ An thành lập tại Quyết định số 3967/QĐ-UBND ngày 01/12/2023, Đoàn đã chỉ ra một số tồn tại, như: ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh một số dự án thực hiện chưa đúng, chưa phù hợp với một số nội dung, mục tiêu của dự án đã được phê duyệt (quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư quy định không được băm dăm gỗ, mặc dù tại thời điểm kiểm tra các nhà máy không hoạt động nhưng thực tế thời gian vừa qua các cơ sở đã đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất băm dăm gỗ để hoạt động sản xuất kinh doanh); chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc báo cáo định kỳ tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Điều 72, Luật Đầu tư năm 2020; ở lĩnh vực quản lý công nghiệp thì một số doanh nghiệp, cở sở sản xuất chưa cung cấp được các hồ sơ về công tác quản lý an toàn trong chế biến gỗ dăm như hệ thống quản lý an toàn, quản lý rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, an toàn khu vực sản xuất… theo quy định tại Thông tư số 43/2010/TT-BCT ngày 29/12/2010 của Bộ Công Thương về công tác quản lý an toàn trong ngành Công thương; ở lĩnh vực đất đai, môi trường một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đúng mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 6, Luật Đất đai năm 2013, chưa cung cấp được đầy đủ các hồ sơ, thủ tục môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…ở lĩnh vực lâm nghiệp một số doanh nghiệp không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ nguồn gốc lâm sản, không lập sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản hoặc lập sổ không đúng mẫu quy định, việc ghi chép sổ không đầy đủ…Tuy nhiên, các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực Lâm nghiệp chủ yếu là các vi phạm về quản lý hồ sơ trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến. Quá trình kiểm tra, chưa phát hiện các vi phạm về nguồn gốc lâm sản, gỗ bất hợp pháp.
Bên những hạn chế, bằng thực tiễn Đoàn liên ngành cũng đã có nhưng đánh giá về hiệu quả đóng góp của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ, như: các nhà máy đã góp phần tiêu thụ phần lớn gỗ rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tham gia vào quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ rừng trồng; thúc đẩy phong trào trồng rừng nguyên liệu, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trồng rừng, góp phần ổn định kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng khu vực nông thôn và miền núi; tận dụng được tối đa sản phẩm gỗ (cành, nhánh, phế phẩm sau quá trình sản xuất gỗ bóc, ván ghép thanh…). Tạo ra được nguồn lực kinh tế đáng kể, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, với dư luận phản ánh, truyền thông, báo chí đã nêu, đâu đó đang còn những hạn chế cần khắc phục; vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ, để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng ở Nghệ An phát triển một cách bền vững, mà trước hết về phía doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiệm túc các quy định của pháp luật; các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; lĩnh vực an toàn trong sản xuất, lĩnh vực đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy rừng; lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản, đặc biệt là các cơ sở có hành vi cất giữ, chế biến lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp; đồng thời Tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh để người dân phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao, tiến tới được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ, quảng bá, mở rộng trọng tâm liên kết với các vùng động lực trong nước, phát triển các Hợp tác xã sản xuất đồ mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ tham gia các hội chợ quốc tế, đẩy mạnh sản xuất theo hướng tinh, sâu phục vụ xuất khẩu, đáp ứng thị trường khu vực và xuất khẩu sang EU, Mỹ…
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.