Nghệ An: Giải pháp nào cho nạn khai thác đá không phép ?

Đời sống
06:36 AM 20/11/2020

Vừa qua, việc khai thác đá trái phép từ các quả đồi ở các huyện miền núi Nghệ An như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn tiếp tục tái diễn một mặt cho thấy sự coi thường pháp luật của người khai thác cùng một số doanh nghiệp tham gia, mặt khác cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, gây bức xúc dư luận.

Một quả đồi đang bị khai thác đá cảnh trái phép với khối lượng lớn

Nghệ An : Giải pháp nào quản lý nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép  - Ảnh 1.

Điểm đang bị khai thác đá không có giấy phép với máy múc loại lớn tại huyện Quỳ Hợp

Trước tiên, cần ghi nhận nhiều năm qua, các cơ quan chức năng Nghệ An từ cơ sở cho đến cấp tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng khai thác tài nguyên, khoáng sản không phép, trái phép diễn ra trên địa bàn các huyện miền núi. Tuy nhiên, đây đó, tại một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản đá trắng, đá đen, đá cảnh diễn ra phức tạp; hậu quả không chỉ gây thất thu ngân sách, tổn thất về tài nguyên, khoáng sản mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, thay đổi mục đích sử dụng đất, hủy hoại đất, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch, tạo ra nhiều nguy cơ về sụt, lún, trượt đất hết sức nguy hiểm trong mùa mưa lũ.

Ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 1202/UBND-NN ngày 06/3/2020 yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, LĐTB&XH, Cục Hải quan tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản…đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện các quy định quản lý hoạt động khoáng sản theo Luật Khoáng sản, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc cấp phép thăm dò, khai thác, quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An : Giải pháp nào quản lý nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép  - Ảnh 3.

Những xe tải bị Lực lượng Công an huyện Nghĩa Đàn tạm giữ khi đang vận chuyển khoáng sản trái phép tại xã Nghĩa Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn ngày 26/10/2020

Thời gian gần đây, cùng sự tham gia có mặt của phóng viên, lực lượng Công an huyện Quỳ Hợp liên tục bắt giữ các phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Nghĩa Xuân, xã Minh Hợp, xã Văn Lợi…Công an huyện Nghĩa Đàn cũng tạm giữ nhiều phương tiện trên địa bàn xã Nghĩa Hiếu…

Không kể ngày đêm, lực lượng Công an huyện Quỳ Hợp đã theo dõi, mật phục và kết quả là đang tạm giữ nhiều các phương tiện dùng để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Mới đây lúc 22h 25 ngày 12/11/2020, tại xã Văn Lợi lực lượng Công an huyện Quỳ hợp đã bắt quả tang một xe cẩu cứu hộ mang biển số 37C 225.96 (tra cứu của Đăng kiểm VN cho thấy chủ phương tiện là Lương Chí Linh, địa chỉ: xóm Thành Xuân, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) và xe tải có biển kiểm soát 37C 117.39 đăng ký bởi Công ty TNHH Hoàng Vương VN, địa chỉ khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa, Nghệ An. Đối với Công ty TNHH Hoàng Vương VN, ngày 25/10/2020, lực lượng Công an huyện Nghĩa Đàn cũng đã tạm giữ một xe mang biển số 37C 157.76 của doanh nghiệp này đang vận chuyển khoáng sản trái phép tại xã Nghĩa Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn.

Việc liên tục vi phạm cho thấy doanh nghiệp này đã bất chấp, sẵn sàng vi phạm pháp luật vì lợi nhuận. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh việc xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp chưa đủ sức răn đe.

Nghệ An: Giải pháp nào cho nạn khai thác đá không phép ?  - Ảnh 3.

Lực lượng Công an huyện Quỳ Hợp bắt quả tang 01 xe cẩu và xe tải của Công ty TNHH Hoàng Vương VN đang bốc khoáng sản trái phép lúc 22h25 đêm ngày 12/11/2020 ( ảnh Thái Quảng)

Qua điều tra thực tế cũng như nghiên cứu cơ sở pháp lý cho thấy, nguyên nhân chính của nạn khai thác mỏ trái phép là do chính quyền tại một số địa phương và nhất là cấp xã buông lỏng công tác quản lý, và khi phát hiện vi phạm thì xử lý chưa quyết liệt, có ý thức trông chờ chỉ đạo của cấp trên. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý tin tố giác chưa kịp thời và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh. Có nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian khá lâu, mức độ nghiêm trọng nhưng cũng chỉ bị xử phạt ở mức 3 - 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về khai thác khoáng sản chưa được thực hiện sâu rộng, chưa đến được với các hộ gia đình có vườn đồi. Mà hiện nay, điều trớ trêu là chính các chủ đất đang liên kết cùng các đối tượng khác để khai thác khoáng sản trái pháp luật. Các hộ có đất vườn, đồi đang khai thác chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà chưa thấy cái hại lâu dài đối với chính bản thân mình.

Trao đổi với lãnh đạo phòng tài nguyên và môi trường huyện Quỳ Hợp được biết huyện rất quyết liệt trong vấn đề này: Kết quả công tác quản lý nhà nước trong 09 tháng đầu năm 2020 có xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và gây ô nhiễm tại các xã Thọ Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Minh Hợp, Văn Lợi. Phối hợp UBND xã Tam Hợp xử lý vi phạm hành chính 04 vụ vi phạm khai thác cát, sỏi trên địa bàn xã. Phối hợp với UBND xã Thọ Hợp, Châu Quang, Châu Hồng xử lý vi phạm hành chính 04 trường hợp với số tiền 104 triệu đồng. Và hiện nay huyện tiếp tục thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, trên địa bàn huyện

Nghệ An: Giải pháp nào cho nạn khai thác đá không phép ?  - Ảnh 4.

Khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng trái phép với các phương tiện khai thác rất chuyên nghiệp

Cơ sở pháp lý để áp dụng từ Luật Khoáng sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, thậm chí Bộ Luật Hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất rõ ràng cụ thể các hành vi vi phạm, các chế tài để xử lý từ trách nhiệm hành chính cho tới trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân.

Khoản 1, Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên: "1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm" trong đó cần chú ý điểm đ, khoản 1 điều 227: "đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm"  và điểm b, khoản 1 điều 227: "b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;".

Muốn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân tốt, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ là phải nắm vững quy định pháp luật. Qua xem xét một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên bản vi phạm hành chính cho thấy cán bộ xử lý đã không nắm bắt được sự thay đổi của các văn bản pháp quy. Nghị định 33/2017/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 36/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/5/2020 nhưng đến nay vẫn được cán bộ áp dụng để xử lý vi phạm. Ngoài ra, để đấu tranh quyết liệt với tệ nạn này, ngoài hình thức xử phạt chính, pháp luật cho phép áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện… áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng trong các quyết định xử phạt, ngoài hình thức xử phạt chính nhẹ nhàng thì chưa thấy có người nào bị phạt bổ sung hay áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghệ An: Giải pháp nào cho nạn khai thác đá không phép ?  - Ảnh 5.

Nghị định 33/2017/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 36/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/5/2020 nhưng đến nay vẫn được cán bộ áp dụng để xử lý vi phạm trong tháng 8/2020.

Theo Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 01/6/2017 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An",  tại điều 4 - d nêu rõ:  Đối với công tác bảo vệ khoáng sản khu vực chưa cấp phép khai thác, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, thông qua thông tin phản ánh được chuyển đến, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã phải chủ động kịp thời tổ chức lực lượng xử lý vi phạm theo nhiệm vụ được phân công tại Quy định này và theo quy định của pháp luật, trường hợp không kịp thời xử lý hoặc xử lý không đảm bảo quy định, không hiệu quả thì Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Nghệ An: Giải pháp nào cho nạn khai thác đá không phép ?  - Ảnh 6.

Một quả đồi tại xóm Đại Thành, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp hiện nay đang bị khai thác đá cảnh trái phép với khối lượng lớn

Được biết, riêng loại đá cảnh hay thường được gọi là cổ thạch được thị trường ưa chuộng nên nguồn lợi từ khai thác không phép rất lớn, có lực hấp dẫn khó cản đối với chủ các khu vườn đồi cũng như các đầu nầu liện kết. Vì vậy, dù lực lượng Công an hết sức tích cực nhưng nếu thiếu sự quyết liệt của Ủy ban nhân dân các cấp - Cơ quan quản lý chung thì hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống nạn khai thác đá trái phép sẽ bị hạn chế.

Trước diễn biến tái diễn khai thác trái phép khoáng sản, các cơ quan chức năng các cần tăng cường kiểm tra và giám sát công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và có biện pháp xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân, người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn hoặc để tái diễn, kéo dài mà không có biện pháp xử lý, ngăn chặn dứt điểm.

Thái Quảng và nhóm PV
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.