Nghệ An: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khai thác, kinh doanh tại Cảng Cửa Lò
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Cảng Cửa Lò, Ban quản lý Cảng cá Nghệ An để nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của các đơn vị khai thác, kinh doanh tại khu vực Cảng Cửa Lò.
Do Cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An là cảng quốc tế tổng hợp đầu mối quốc gia loại 1, phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu cho các tỉnh trong khu vực, nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Hằng năm, Cảng quốc tế Cửa Lò tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu biển nội địa và quốc tế vào xếp dỡ hàng với sản lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 3-4 triệu tấn. Ước tính mỗi tháng tỉnh Nghệ An có 1.000 - 1.200 container xuất bán trong và ngoài nước, tuy nhiên hiện nay Cảng Cửa Lò chỉ thu hút 200 - 250 container/tháng.
Theo ý kiến của các đơn vị, hiện nay, tàu cá của ngư dân vẫn thường xuyên chiếm dụng cầu Cảng Cửa Lò làm nơi neo đậu, gây cản trở đến việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh trật tự trên bến cảng. Các tàu cá này thường xuyên neo, đậu chủ yếu ở các bến số 3, 4 và 5. Ðây là những bến cảng nước sâu, chuyên bốc dỡ hàng hóa cho tàu nước ngoài và tàu chuyên chở container. Trên dãy cầu cảng từ các bến trên, có hàng chục tàu cá của ngư dân neo đậu trong khu vực vùng nước cầu cảng và trên luồng tàu ra vào cảng. Trên cầu cảng ngư dân sử dụng mặt cầu làm nơi để sửa chữa ngư cụ, phơi lưới, bốc xếp hải sản, tiếp nhận hậu cần...
Bến số 5 đã hoàn thành để khai thác tàu 30.000 DWT; bến số 3, 4 khai thác tàu 25.000 DWT (giảm tải), tuy nhiên luồng vào cảng Cửa Lò nạo vét -7,2m chỉ đảm bảo cho tàu 10.000 DWT đầy tải ra vào, do đó việc tăng năng lực khai thác hàng hóa, đón các tàu có trọng tải lớn ra vào gặp nhiều khó khăn.
Các đơn vị đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị, làm việc với Bộ Giao thông vận tải để sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp luồng, đê chắn sóng, chắn cát và các kết cấu hạ tầng khác đảm bảo cho tàu 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải vào bến phía Nam cụm Cảng Cửa Lò. Đồng thời đề nghị UBND thị xã Cửa Lò sớm hoàn thành bến cá mới cùng hạ tầng liên quan để di dời toàn bộ tàu cá đang neo đậu trong khu vực Cảng Cửa Lò.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt cho các đơn vị khai thác, kinh doanh tại Cảng Cửa Lò. Riêng đối với việc di chuyển các tàu cá đang neo đậu trong Cảng Cửa Lò ra khu vực bến cảng mới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học cho biết: Trên địa bàn phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò có tổng số 129 tàu cá, với tổng số 635 lao động tham gia khai thác hải sản; trong đó có 49 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi. Trước khi xây dựng Cảng, khu vực này có truyền thống lâu đời là bến đậu tàu cá thuộc 2 phường Nghi Thủy và Thu Thủy. Sau khi xây dựng cảng, do ngư dân không có bến đậu nên đã neo đậu tại khu vực cảng làm ảnh hưởng đến hoạt động bốc dỡ hàng hóa, làm mất an toàn trong quá trình điều động tàu.
Năm 2018, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng bến neo đậu cho tàu cá tại phường Nghi Tân. Tuy nhiên, do luồng, lạch cạn nên các tàu cá có chiều dài trên 15m không thể vào neo đậu được, do đó vẫn còn tình trạng tàu neo đậu trong khu vực Cảng Cửa Lò. Để đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân vào neo đậu, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí nâng cấp bến neo đậu cho tàu cá tại phường Nghi Tân; nạo vét luồng, lạch khu vực từ Cảng lên Bến neo đậu cho tàu cá tại phường Nghi Tân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: Hoạt động tại Cảng Cửa Lò rất quan trọng, là đầu ra đầu vào của sản phẩm và nguyên liệu. Những địa phương có cảng biển sẽ có lợi thế trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với Nghệ An hiện nay hạ tầng cảng chưa đáp ứng yêu cầu nên nhiều lúc đã "lỡ" các bạn hàng và ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư của tỉnh.
Trả lời cụ thể các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, trong đó đối với đề xuất xây dựng bến cảng cá mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết bến cảng cá mới đã được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong khi chờ nâng cấp, nạo vét luồng ra vào bến, các đơn vị có liên quan phối hợp để phân loại tàu, tàu nào vào được thì yêu cầu phải vào bến. Còn đối với những tàu chưa thể vào bến được (những tàu trên 15m), Cảng Cửa Lò cần phải tạo điều kiện để tàu cá ngư dân neo đậu tránh trú mưa bão và tiếp nhiên liệu để ra khơi khai thác hải sản.
Việc nạo vét luồng ra vào cảng, tỉnh đang đề xuất Bộ GTVT đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm. Quá trình triển khai nạo vét phải xác định được khu vực đổ xả thải không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác du lịch trên địa bàn thị xã. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở GTVT khảo sát, tham mưu giải pháp nạo, vét luồng lạch từ Cảng Cửa Lò lên Bến cảng cá mới tại phường Nghi Tân. Việc thực hiện nạo, vét luồng lạch phải triển khai trước mùa mưa bão; quá trình nạo vét cần phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngọc TúSố liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.