Nghệ An: Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại Hà Nội

Địa phương
03:47 PM 08/11/2023

Tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 843/KH-UBND về việc tổ chức sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng của miền Tây Nghệ An tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sự kiện nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan, Bộ, ngành, Trung ương trong chiến lược xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh nhà.

Theo kế hoạch, sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng của miền Tây Nghệ An do Sở NN&PTNT chủ trì, thực hiện phối hợp với các đơn vị Cục Lâm nghiệp, Trung tâm xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Văn phòng Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Nghệ An.

Nghệ An: Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP   tại Hà Nội. - Ảnh 1.

Hàng mây, tre đan của huyện Con Cuông mang đặc trưng ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc tỉnh Nghệ An.

Việc tổ chức sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng của miền Tây Nghệ An tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng, lợi thế của miền Tây Nghệ An nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan, Bộ, ngành, Trung ương trong chiến lược xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An.

Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 19/11/2023 tại khuôn viên Bộ NN&PTNT (địa chỉ: Số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), với sự tham dự của khoảng 250-300 đại biểu, khách mời.

Các hoạt động chính của sự kiện bao gồm: Tổ chức tọa đàm "Tiềm năng, lợi thế tỉnh Nghệ An và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An"; Tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trung của miền Tây Nghệ An với quy mô 6 gian hàng trưng bày sản phẩm.

Nghệ An: Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP   tại Hà Nội. - Ảnh 2.

Đặc sản gà đen Mường Lống , Kỳ Sơn đạt OCOP 3 sao.

Trong đó, gian hàng số 1 sẽ trưng bày sản phẩm đặc trưng các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông với các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc trưng, đặc sản; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm; sản phẩm du lịch nông nghiệp (mô phỏng hình ảnh du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông); hình ảnh Khu Dữ trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An; các hình ảnh phản ánh bản sắc văn hóa vùng dân tộc.

Gian hàng số 2 trưng bày các sản phẩm đặc trưng các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp với các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc trưng, đặc sản; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm làng nghề hương trầm; hình ảnh khu Dữ trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; các hình ảnh phản ánh bản sắc văn hóa vùng dân tộc.

Gian hàng số 3, trưng bày các sản phẩm của các huyện Anh Sơn, Thanh Chương với các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc trưng; đặc sản của vùng; sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Nghệ An: Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP   tại Hà Nội. - Ảnh 3.

Thổ cẩm làng nghề Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu.

Gian hàng số 4, trưng bày sản phẩm đặc trưng các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa với các sản phẩm trưng bày là sản phẩm nông lâm thủy sản đặc trưng, đặc sản của vùng; sản phẩm du lịch nông nghiệp (mô phỏng hình ảnh du lịch gắn sản xuất nông nghiệp); hình ảnh phản ánh hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Gian hàng số 5 trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng, đặc sản của tỉnh Nghệ An.

Gian hàng số 6 trưng bày sản phẩm gỗ chế biến và thủ công mỹ nghệ như: ván ép, ghép, viên nén…; đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan, đồ gỗ,…

Nghệ An: Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP   tại Hà Nội. - Ảnh 4.

Đặc sản lươn Nghệ An.

Bên cạnh đó, tại sự kiện còn tổ chức khu ẩm thực trưng bày sản phẩm ẩm thực đặc trưng của tỉnh Nghệ An.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 423 sản phẩm được xếp hạng OCOP. Nghệ An vươn lên đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội). 

Cùng với việc gắn sao cho sản phẩm, việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm OCOP cũng được địa phương này đẩy mạnh, triển khai. Theo đó, bằng nhiều hình thức, Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử.  Bên cạnh đó tổ chức các gian hàng giới thiệu, quảng bá cũng được quan tâm để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.

Nghệ An: Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP   tại Hà Nội. - Ảnh 5.

Sản phẩm OCOP của Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông

Để sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, từng bước xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và phát triển sản phẩm. 

Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đã được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Chủ trương của địa phương là hướng sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Lê Dung
Ý kiến của bạn