Nghệ An: Giữ gìn làng nghề giấy dó Phong Phú
Tháng 12/2007, làng nghề giấy dó Phong Phú (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Trong xu thế hiện đại hoá, có các loại giấy công nghiệp ra đời, nên thị trường giấy dó Phong Phú cũng khó cạnh tranh. Tuy nhiên, những người dân nơi đây vẫn kiên trì giữ gìn nét văn hoá riêng của nghề giấy dó, góp phần bảo tồn các làng nghề truyền thống xứ Nghệ.
Có lịch sử cả trăm năm nay, làng nghề giấy dó Phong Phú được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ sau học hỏi và kế thừa kinh nghiệm kỹ thuật làm giấy từ thế hệ trước. Từ đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ với những bí quyết riêng mà tờ giấy dó tuy mỏng manh nhưng lại có độ bền và dai, có thể lưu giữ được vài chục năm nếu để những nơi khô ráo.
Trước kia, giấy dó được dùng để phục vụ cho việc in sách, làm sắc phong, văn khấn, vẽ tranh, viết thư pháp, sau này còn được dùng để làm quạt, quấn hương trầm. Giấy dó từng là một sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Nhưng khi cuộc sống càng phát triển, công nghệ được ứng dụng rộng rãi, sản phẩm giấy công nghiệp ra đời với nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn nên giấy dó không còn được sử dụng rộng rãi như trước. Và giấy dó Phong Phú cũng không phải ngoại lệ! Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của bao đời cha ông đã gắn bó, nhiều hộ dân làng giấy dó Phong Phú vẫn duy trì làm nghề cho đến ngày nay.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hà và bà Vương Thị Loan (xóm 3, xã Nghi Phong) là những người lành nghề của làng giấy dó Phong Phú. Đã hơn 60 tuổi nhưng ông Hà và bà Loan vẫn thoăn thoắt đôi tay khi thực hiện các công đoạn làm giấy dó. Sự lành nghề của hai ông bà được thể hiện trong các động tác vừa nhanh nhẹn vừa dứt khoát nhưng cũng rất tỉ mỉ, công phu.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Loan kể: "Từ nghề làm giấy dó mà chúng tôi nuôi được con cái trưởng thành. Bây giờ con cái đã lập gia đình, có công việc riêng, nhưng không ai theo làm nghề giấy này. Tuy nhiên, các con vẫn giúp chúng tôi đi tìm mua các cây nguyên liệu để làm giấy. Giờ chúng tôi vẫn còn có sức thì vẫn muốn bám nghề cha ông đã truyền lại, muốn giữ cái nghề cha ông đã cho. Chỉ mong nghề giấy dó được giữ gìn lâu dài về sau".
Nguyên liệu chính để làm nên giấy dó không thể thiếu vỏ cây niệt. Loại cây này thường mọc ở những rừng huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương của tỉnh Nghệ An. Ở Hà Tĩnh thì có các vùng như: Nghi Xuân và Kỳ Anh. Cây niệt sau khi đưa về sẽ được tuốt sạch lá, chỉ tước lấy phần vỏ cây, cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài. Phần vỏ này tiếp tục tước mỏng, sau đó được nhồi với nước vôi, vắt sạch và cho vào nồi nấu kỹ.
Phải nấu liên tục trong 2 ngày 2 đêm để vỏ cây thật mềm, rồi tiếp tục ngâm nước, rửa sạch. Sau đó là mang đi giã mịn. Công đoạn giã phải dùng bằng tay để đảm bảo độ dẻo, độ mịn mà không thể dùng bằng máy. Và cuối cùng là công đoạn seo giấy, cần sự khéo léo, tỉ mỉ mà tập trung cao. Họ đứng bên tàu seo, hai tay dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên "đòn cách" bằng tre cho nước chảy xuống hết, khi nào chỉ còn bột giấy đọng lại trên khuôn thì mới đưa ra phơi nắng. Giấy dày hay mỏng là phụ thuộc vào "ngữ đỉnh" ở khuôn seo. Khi khuôn seo khô, bóc ra sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, trong và dai, đó chính là sản phẩm giấy dó.
"Vì tuổi tác cũng đã cao, không còn sức khoẻ như trước nên chúng tôi cũng không làm được nhiều nữa. Trung bình một ngày chỉ làm được 40-50 khuôn. Một tờ giấy dó được bán với giá từ 3.500 đồng đến 5000 đồng. Trước đây khi nghề đang phát triển, làng nghề chúng tôi sầm uất lắm, cứ 3 giờ sáng là tiếng cối giã chày đã nhộn nhịp, đến tờ mờ sáng các khung giấy được phơi chật kín các lối đi sân vườn. Các thương lái khắp nơi từ Cửa Lò, Nam Đàn, Hà Nội tìm về đặt hàng làm không kịp ngơi tay. Năm nay, chúng tôi cũng đã hơn 60 tuổi, đã có trên 30 năm gắn bó với nghề, hiện nay giấy công nghiệp ra nhiều, cho nên nghề giấy dó ở Phong Phú đang bị mai một dần. Mong muốn của tôi và cũng là của nhiều người đang bám nghề là mong Nhà nước, các ban ngành có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tìm đầu ra cho người dân làng nghề chúng tôi! Trước là để người dân làng nghề sống được bằng nghề, sau là để giữ nghề truyền thống của cha ông đã để lại", ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Cách đây 10 năm về trước, làng nghề giấy dó Phong Phú có hơn trăm hộ gia đình tham gia làm nghề. Thế nhưng, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình không còn mặn mà với nghề này nữa. Và bây giờ, số hộ dân còn bám trụ với nghề giấy dó truyền thống chỉ đếm được đầu ngón tay. Nỗi lo lắng nghề truyền thống lâu đời sẽ mất đi theo thời gian và làm sao để giữ gìn làng nghề là nỗi trăn trở của những nghệ nhân nghề làm giấy dó Phong Phú.
Cây niệt là nguyên liệu chính để làm giấy dó cũng không còn nhiều và dễ tìm mua như trước, người làm nghề phải tự đi tìm hái mang về làm. Đây cũng là một trở ngại và khó khăn để duy trì và giữ gìn nghề làm giấy dó hiện nay.
Trước đây, giấy dó được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến mua về dán quạt, quấn hương trầm, dán lên mình cá biển. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này đã thu hẹp dần. Hiện chỉ có khách hàng ở Cửa Lò, Cửa Hội và Quỳnh Lưu, Diễn Châu đến mua về dán cá, làm hương. Giấy dó Phong Phú đang đối diện hiện thực khắt khe trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện địa hoá. Dù vậy, ở đây vẫn đang có những con người luôn nỗ lực níu giữ nghề truyền thống của cha ông, cố gắng từng ngày để tìm lại một làng giấy tấp nập, đông vui. Và với hàng trăm tờ giấy được bán ra mỗi ngày, giấy dó đang theo chân thương lái đưa truyền thống địa phương đi xa hơn tới mọi miền đất nước.
Thái Bình - Ngọc MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.