Nghệ An: Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sáng 8/8, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tập huấn chuyên đề "Sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, công tác tham mưu, xử lý các vụ án, vụ việc".
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 438 điểm cầu với hơn 8.000 cán bộ, đảng viên tham gia.
Tại điểm cầu cấp tỉnh, ông Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quán triệt các nội dung: Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Đặc biệt, chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.
Ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định, Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tập huấn chuyên đề "Sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, công tác tham mưu, xử lý các vụ án, vụ việc" là hội nghị hết sức quan trọng.
Thông qua hội nghị sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, của các tổ chức chính trị xã hội, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, bổ sung, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án. Cập nhật kiến thức mới, nâng cao tri thức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với chế độ, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng "vặt", sách nhiễu vẫn còn diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị. Một số lĩnh vực nhạy cảm như đấu thầu, đấu giá, quản lý tài nguyên khoáng sản… vẫn còn buông lỏng, gây thất thoát, lãng phí. Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra rõ nguyên nhân của tình trạng trên.
Mặt khác, tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện các sơ hở trong quá trình triển khai các chính sách phục vụ cho sự phát triển, nhất là ở các lĩnh vực vi phạm như đấu thầu, quản lý tài nguyên, khoáng sản… để điều chỉnh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với với các lĩnh vực nhạy cảm để phòng ngừa. Đẩy nhanh tiến độ, điều tra, xử lý các vụ án tiêu cực, tham nhũng theo đúng quy định pháp luật.
Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực và cán bộ, đảng viên tham nhũng tiêu cực. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác của các ngành trong khối Nội chính. Thực hiện nghiêm công tác tiếp dân theo đúng quy định, lắng nghe, đối thoại, thuyết phục, vận động nhân dân, giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo - Ban Nội chính Tỉnh ủy hoàn thiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; rà soát các vụ việc để đề xuất danh sách các vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi; đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra xử lý các vụ việc.
PVKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.