Nghệ An: Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V

Địa phương
10:14 AM 25/08/2022

Chiều 24/8, tại TX Cửa Lò ( Nghệ An), Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V.

Đồng chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Phây-vi Xi-bua Li-pha - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; trên 100 cán bộ là lãnh đạo của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới; lãnh đạo một số Sở Tư pháp có quan hệ hợp tác kết nghĩa với các tỉnh của Lào.

Nghệ An: Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu chào mừng

Nghệ An hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào

Phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An là tỉnh có vị trí quan trọng, vừa hội tụ các yếu tố chung, đồng thời có nhiều yếu tố mang tính đặc thù và riêng. Nghệ An có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài nhất cả nước, hơn 468km; tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay. Địa hình, lịch sử, văn hóa khu vực biên giới giữa Nghệ An và các địa phương của nước bạn Lào có nhiều điểm tương đồng. Người dân nơi đây sống hòa thuận, gắn bó; có mối quan hệ láng giềng thân tộc lâu đời, nên thường xuyên có sự giao lưu về kinh tế - văn hoá với nhiều hình thức phong phú. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào luôn được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt của Nghệ An.

Bên cạnh hợp tác truyền thống với 3 tỉnh có chung đường biên giới là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Nghệ An đã mở rộng quan hệ hợp tác với Thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Xay Sổm Bun… Mối quan hệ hữu nghị hợp tác được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục - đào tạo, tư pháp, quốc phòng - an ninh, nhất là các hoạt động về xuất nhập khẩu, đào tạo và viện trợ đạt mức cao nhất từ trước đến nay, kể cả trong thời gian chịu những tác động tiêu cực của dịch COVID -19.

Riêng về hoạt động tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An đã triển khai các nhiệm vụ một cách toàn diện, đồng bộ ở các cấp, nhiều mặt công tác đã đi vào chiều sâu, có nề nếp và chất lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, Sở Tư pháp Nghệ An đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tham mưu UBND tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện thành công Thỏa thuận giữa Chính phủ nước bạn Lào và Chính phủ Việt Nam về di cư tự do, kết hôn không giá thú tại vùng biên giới; đã tổ chức ký kết hợp tác về công tác tư pháp giữa Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An và Sở Tư pháp các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tin tưởng, qua Hội nghị lần này, Bộ Tư pháp hai nước Việt - Lào nói chung, các Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào nói riêng càng thắt chặt mối quan hệ, tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác dưới nhiều hình thức mới, đạt nhiều kết quả cụ thể và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự lan tỏa lớn, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt - Lào.

Nghệ An: Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V - Ảnh 2.

Ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phát biểu

Hợp tác toàn diện trên lĩnh vực Tư pháp

Hội nghị đã nghe các tham luận đánh giá về quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước trong thời gian qua, về tình hình thực hiện Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ tư.

Các đại biểu nhất trí đánh giá, kể từ sau Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ tư, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường. Các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tích cực phối hợp thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới. Các cơ quan có thẩm quyền của hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự nhằm tạo cơ sở pháp lý mới, đầy đủ, toàn diện cho các cơ quan tư pháp cùng hỗ trợ, kịp thời giải quyết các vụ việc dân sự, thương mại của người dân và doanh nghiệp.

Hai bên đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở cho người dân vùng biên với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội nghị ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của hai bên trong việc tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào và các cặp tỉnh có thỏa thuận hợp tác; những nỗ lực của hai bên trong hợp tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp của Lào, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào.

Về các hoạt động trong thời gian tới, Hội nghị đã thống nhất việc Bộ Tư pháp hai nước tiếp tục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để giải quyết các trường hợp người di cư tự do Việt Nam đang cư trú tại Lào đã có tên trong Danh sách được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt, có nguyện vọng được nhập quốc tịch Lào nhưng chưa được nhập quốc tịch. 

Hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tích cực nhằm giải quyết có hiệu quả vấn đề hộ tịch, quốc tịch thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đối với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng Thỏa thuận theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trên tinh thần quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Bộ Tư pháp hai nước sớm hoàn tất việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự, tăng cường phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực, trong đó có việc phối hợp triển khai thực hiện Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự trong ASEAN. 

Nghệ An: Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Phây-vi Xi-bua Li-pha phát biểu

Các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo nhằm giúp công dân hai nước sinh sống ở khu vực đường biên nắm bắt và hiểu biết đầy đủ nội dung các điều ước Quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa hai nước có liên quan đến khu vực biên giới, từ đó tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, không vi phạm pháp luật để phải bị xử lý, biết vận dụng, sử dụng pháp luật để tham gia các quan hệ xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự, chú trọng việc hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương của mỗi bên thực hiện tốt quy định về tương trợ tư pháp trong Thi hành án Dân sự; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân 2 nước tại các tỉnh có đường biên giới giáp nhau về những quy định của pháp luật nói chung và pháp luật Thi hành án Dân sự của mỗi nước…

Nghệ An: Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V - Ảnh 4.

Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Tư pháp 2 nước, đại diện Cục Hợp tác Quốc tế của 2 nước ký kết Chương trình hợp tác năm 2023

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đồng chí Phây-vi Xi-bua Li-pha - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ năm là cần thiết và có ý nghĩa hết sức thiết thực. 

Hội nghị sẽ đánh giá một cách khách quan và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ tư, tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh có chung đường biên và một số tỉnh khác của hai nước Việt Nam - Lào nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sinh sống dọc biên giới hai nước được ổn định cuộc sống và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của mình.

Nghệ An: Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V - Ảnh 5.

Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xay-nha-bu-li (Lào) ký thỏa thuận hợp tác

Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Phây-vi Xi-bua Li-pha bày tỏ tin tưởng, những kết quả quan trọng đạt được tại Hội nghị này sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt, toàn diện giữa hai ngành Tư pháp Lào và Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa hai nước cũng như vào việc xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp nước bạn Lào đã ký kết Chương trình hợp tác năm 2023 và Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xay-nha-bu-li (Lào).

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.