Nghệ An: Hội thảo khoa học 50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng
Sáng 20/5, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”. Đây là chiến dịch để lại nhiều bài học quý, góp phần làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chỉ đạo hội thảo. Dự hội thảo có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4; Sengphet Houngboungnuang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.
Cùng dự có đại biểu các cơ quan Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng; các nhân chứng lịch sử; các nhà khoa học; nhà nghiên cứu trong và ngoài Quân đội.
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào, liên quân Việt Nam - Lào tiến hành và giành được thắng lợi to lớn trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Đầu năm 1972, thực hiện quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương ta quyết định tập trung lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và vũ khí trang bị tổ chức tiến công địch trên 3 hướng: Đông Nam Bộ, Trị - Thiên và Tây Nguyên.
Đồng thời, phát huy thế liên hoàn chiến trường, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào thống nhất: Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi mùa khô 1971 - 1972, ta và bạn chủ động tổ chức phòng ngự, kiên quyết không để địch tái chiếm địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, giữ vững thế chiến lược của cách mạng Việt Nam và Lào ở Thượng Lào, bảo vệ "sườn phải" cho hai chiến dịch của ta diễn ra ở Bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên.
Dựa vào thế trận phòng ngự được ta và bạn chuẩn bị khoa học, vững chắc, có chiều sâu, bằng cách đánh mưu lược, sáng tạo, trải qua 179 ngày đêm (21/5 - 15/11/1972) liên tục chiến đấu, liên quân Việt Nam - Lào đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum.
Thắng lợi của Chiến dịch đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" của Mỹ ở Lào, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Lào, tạo thế phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972 trở thành biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ta và bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh trên chiến trường Lào, để lại nhiều bài học quý về lý luận và thực tiễn phát triển của nghệ thuật chiến dịch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học "50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm", Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Hội thảo khoa học "50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm" là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện thắng lợi phương châm "giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình" trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào hôm nay và mai sau.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định, giá trị, sức lan tỏa của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng khoảng đã vượt ra khỏi giới hạn về không gian và thời gian, để lại nhiều bài học quý báu trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, đúc kết nhiều kinh nghiệm, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức, bố trí, sử dụng và phối hợp xây dựng thế trận phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong những thắng lợi cách mạng đó, có đóng góp không nhỏ về sức người, sức của của quân và dân Nghệ An.
Tại Hội thảo, các tham luận đều có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, khẳng định chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 - Một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam - Lào. Đây là chiến thắng góp phần tạo ra thế và lực thuận lợi thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi quyết định. Đánh dấu bước phát triển nghệ thuật chiến dịch, góp phần làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật quân sự của Quân đội ta…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, tại Hội thảo các bài tham luận, với nội dung phong phú, chất lượng cao. Đã góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm tầm vóc, ý nghĩa và những nhân tố chiến thắng trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng của liên quân Việt - Lào trong mùa mưa năm 1972.
Hội thảo "50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm" một lần nữa đúc rút những bài học kinh nghiệm, nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự của Việt Nam trong chuẩn bị và thực hành tác chiến.
Hội thảo đồng thời là sự tri ân công lao to lớn và sự đóng góp của quân, dân hai nước Việt Nam - Lào. Trong đó, có quân và dân tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng nói riêng. Qua đó, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quốc tế đặc biệt giữa hai Nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Lê Dung (tổng hợp)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.