Nghệ An: Hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính khi sắp xếp đơn vị hành chính
Mới đây, tại Công văn số 2998/UBND-NN Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung tại Công văn số 991/BNNMT-QLĐĐ ngày 11/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Công văn số 2998/UBND-NN về việc hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Theo Công văn số 991/BNNMT-QLĐĐ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nêu rõ các nguyên tắc cần tuân thủ trong quá trình chỉnh lý hồ sơ địa chính và dữ liệu đất đai. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi tính chính xác, đồng bộ và không làm gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước về đất đai cũng như việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, việc chỉnh lý hồ sơ địa chính bao gồm các loại tài liệu như: bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quá trình chỉnh lý này phải được tiến hành đồng thời với việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai đang được các địa phương vận hành và khai thác. Điều này nhằm đảm bảo thông tin đất đai luôn chính xác, đầy đủ và phục vụ kịp thời nhu cầu tra cứu, cung cấp dịch vụ công.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu việc chỉnh lý hồ sơ địa chính phải gắn liền với quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất. Quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính không được gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công.
Để phục vụ hiệu quả công tác quản lý đất đai sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ danh mục hồ sơ địa chính cùng các loại sổ sách, tài liệu dạng giấy đã được hình thành trong quá trình quản lý, sử dụng đất qua các thời kỳ.
Các tài liệu này hiện đang được lưu trữ tại các cấp ở địa phương cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc tránh thất lạc hồ sơ, bảo đảm tính liên tục, minh bạch và đầy đủ của thông tin phục vụ công tác quản lý đất đai.
Đối với sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do cơ quan cấp huyện lập khi thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu, Bộ yêu cầu ngay sau khi đơn vị hành chính mới được sắp xếp xong, phải tiến hành bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để tiếp tục lưu trữ và phục vụ cung cấp thông tin khi cần thiết.
Bên cạnh đó, đối với các hồ sơ địa chính điện tử đang được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu đất đai, các địa phương được yêu cầu tiếp tục khai thác và quản lý ổn định. Cơ sở dữ liệu điện tử là nguồn tài nguyên quý giá, cần được duy trì liên tục để phục vụ việc cung cấp dịch vụ công về đất đai một cách hiệu quả, minh bạch và kịp thời.
Một nội dung quan trọng khác được nêu trong công văn là việc tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính được sắp xếp. UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung hoàn thành việc kiểm kê đất đai năm 2024 ở cấp xã. Kết quả kiểm kê này sẽ là cơ sở để lượng hóa thực trạng quản lý và sử dụng đất của từng đơn vị hành chính, phục vụ cho việc sắp xếp, sáp nhập đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.
Việc triển khai đồng bộ các nội dung hướng dẫn nêu trên không chỉ giúp bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý trong công tác quản lý đất đai khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, mà còn góp phần tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với hệ thống thông tin đất đai hiện đại, chính xác và minh bạch.
Thái Quảng
Chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu sống còn với doanh nghiệp trong thời đại kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tài chính xanh vẫn là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm quá trình chuyển đổi.