Nghệ An: Kết nối cung - cầu lao động, thu hút lao động cho các doanh nghiệp

Địa phương
07:12 AM 13/01/2025

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 - 2030.

Nghệ An: Kết nối cung - cầu lao động, thu hút lao động cho các doanh nghiệp- Ảnh 1.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị về kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp

Chỉ thị nêu rõ: Hiện nay các Khu kinh tế, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô lớn đầu tư, đi vào hoạt động, cần tuyển dụng nhiều lao động, đặc biệt lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên lao động của tỉnh chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng, tình trạng thiếu lao động cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến thu hút đầu tư của tỉnh.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm khắc phục tình trạng trên, nâng cao hiệu quả công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt tuyên truyền, truyền thông và thực hiện tốt pháp luật lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng và không ngừng đổi mới đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao nhận thức và thực hiện theo đúng định hướng chuyển dịch lao động, đáp ứng được người lao động có kỹ năng nghề, tay nghề vững; chấp hành ý thức tổ chức pháp luật về lao động, việc làm và an toàn lao động. Truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước (cả lao động người Nghệ An và lao động các tỉnh) về làm việc tại Nghệ An.

Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; thường xuyên đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nghệ An; Website, Facebook, Zalo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ quan chuyên môn có liên quan, các tổ chức xã hội và qua các phương tiện truyền thanh cơ sở. Hàng tháng thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động để người dân biết tham gia tuyển dụng.

Tổ chức rà soát nắm bắt số lượng lao động trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố, thị xã; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh để thực hiện thông tin, kết nối cung cầu lao động; thu hút lao động vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp. Thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước về quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp và phúc lợi cho người lao động. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử, năng lượng xanh đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Đảng và Nhà nước và các cơ chế, chính sách, kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh; quan tâm đào tạo nghề và cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm. Triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp trong các sở, ban, ngành và các tổ chức hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động; sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia vào thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Chủ động dự báo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế để định hướng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Xác định phương án về lao động gắn với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các doanh nghiệp. Đa dạng các hình thức tư vấn, kết nối cung - cầu lao động mở rộng các hình thức “hội chợ” , “ngày hội việc làm”, “sàn giao dịch việc làm” có sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động để kết nối cung cầu lao động đạt hiệu quả cao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động, việc làm; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Tại chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ đối với công tác đào tạo nghề; tổ chức giám sát, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh trong quá trình thực hiện Chỉ thị tại địa phương.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này; thành lập Ban chỉ đạo kết nối cung - cầu lao động năm 2025 và những năm tiếp theo do một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban; chỉ đạo thực hiện và định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Các huyện, thành, thị ủy, đảng uỷ trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị này; phổ biến Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trên địa bàn; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị; lãnh đạo thành lập Ban chỉ đạo kết nối cung - cầu lao động cấp huyện, cấp xã do một đồng chí lãnh đạo UBND làm Trưởng ban, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện Chỉ thị này.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc quán triệt và triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện theo quy định.

Nghệ An với dân số trung bình gần 3,7 triệu người; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 1,6 triệu người (chiếm 43,24%); lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế khoảng 1,6 triệu người. Hàng năm có khoảng 50 nghìn người bổ sung vào lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 71,5%, trong đó 25,83% có văn bằng chứng chỉ. Trên địa bàn tỉnh có hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp với gần 350 nghìn lao động đang làm việc.

Kết quả kết nối cung - cầu lao động và giải quyết việc làm bình quân 45 - 46 nghìn lao động/năm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng từ 18 - 20 nghìn người (vượt kế hoạch đề ra). Tỷ trọng chuyển dịch lao động trong các ngành, nghề năm 2023 so với năm 2020: Nông lâm thuỷ sản giảm từ 47,03% xuống 35,01%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 25,49% lên 32,46%; dịch vụ tăng từ 27,48% lên 32,89%; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ khu vực bên ngoài vào bên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh tăng theo hướng tích cực.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.