Nghệ An: Khai mạc Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa XVIII
Sáng 10/7, HĐND tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã long trọng khai mạc Kỳ họp thứ 21. Tham dự có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp. Tham dự Ngoài ra còn có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương.
Tại kỳ họp, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khoá 18 diễn ra sau thành công của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 với nhiều nội dung rất quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với tỷ lệ tán thành cao, tạo căn cứ pháp lý và động lực quan trọng để huy động tối đa các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh ta triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thời tiết tương đối ổn định, hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn qua Nghệ An được đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay một số nhiệm vụ lớn, một số công trình trọng điểm của quốc gia triển khai trên địa bàn và công trình trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành, hoặc trong giai đoạn nước rút để hoàn thành, bảo đảm tiến độ đề ra. Thu ngân sách nhà nước, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt ở mức khá cao; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt kịch bản đề ra, khu vực dịch vụ tăng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa thật sự bền vững. Một số nguồn vốn đầu tư công giải ngân còn chậm như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt ra những áp lực rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm 2024.
HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua 26 dự thảo Nghị quyết bao gồm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và các cơ chế - chính sách trên các lĩnh vực: kế hoạch - đầu tư; tài chính - ngân sách; đất đai - tài nguyên; đô thị; y tế - dân số... Đây là những quyết sách quan trọng cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tiễn của địa phương, góp phần phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh của tỉnh trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, cho ý kiến đối với các báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị trình tại kỳ họp theo quy định. Xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiến hành chất vấn đối với một số nội dung liên quan đến quản lý, phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Với tinh thần chủ động, đồng hành và trách nhiệm cao, từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 3 Kỳ họp chuyên đề, thông qua 46 nghị quyết thuộc thẩm quyền.
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa 18 là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, đồng thời sẽ ưu tiên dành nhiều thời gian cho thảo luận, mở rộng hơn nội dung, lĩnh vực chất vấn.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh tổ chức đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của cử tri, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh - truyền hình tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác các hoạt động tại nghị trường đến cử tri và các tầng lớp nhân dân.
Kỳ họp thứ 21 diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã gửi lời tri ân sâu sắc, lời thăm hỏi ân cần, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân có những hoạt động thiết thực, cụ thể, quan tâm chăm lo kịp thời, chu đáo các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 6,76% (quý I tăng 6,38%, quý II tăng 7,22%), đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%) và cao hơn bình quân cả nước (6,42%); trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,13%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,95% (riêng công nghiệp ước tăng 11,32%); khu vực dịch vụ ước tăng 5,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,77%.
Thu ngân sách ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán, bằng 140,2% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 15.078,8 tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán.
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện; trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 8 xã đạt chuẩn NTM, 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,03%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,06% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều dự án mới đi vào hoạt động, ổn định công suất góp phần tăng năng lực sản xuất. Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực: Các hoạt động hỗ trợ, kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm được quan tâm; 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 30.300 người, tăng 12,43% so với cùng kỳ. Thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt đã tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tập trung hơn và có những chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai tích cực, hiệu quả với nhiều hoạt động nổi bật. Công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
UBND tỉnh đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, các cấp, các ngành tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm để tập trung thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu, đúng tiến độ, chất lượng; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gắn với rà soát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, rà soát các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, tổ chức công tác thu ngân sách hiệu quả; tăng cường các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Tăng cường thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh.
Quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hoá - xã hội, nhất là giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, việc làm, chính sách người có công, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra ở mức cao nhất.
Cũng tại kỳ họp, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ tỉnh; những vấn đề cử tri quan tâm; đề xuất, kiến nghị của MTTQ tỉnh đối với HĐND, UBND tỉnh. Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 18, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An. Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh.
Minh TúTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.