Nghệ An: Không cho tàu cá chưa đủ các điều kiện theo quy định xuất lạch đi khai thác

Địa phương
02:00 PM 21/09/2023

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngày 23/10/2017, EC cảnh báo "Thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác IUU của ngành Thủy sản Việt Nam và yêu cầu thực hiện các khuyến nghị. EC đã tổ chức 03 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018, tháng 11/2019 và tháng 10/2022. Qua thực tế kiểm tra, Đoàn EC đã có đánh giá sơ bộ, ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU; đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với lần thanh tra thực tế vào năm 2019.

Gần 06 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, công tác chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến và đạt những kết quả khá tích cực. Công tác quản lý tàu cá đã được thực hiện hiệu quả, từ quản lý đội tàu, theo dõi giám sát trên biển, đến việc kiểm tra tàu cá ra vào cảng cá; hệ thống giám sát hành trình tàu cá tại Trạm Bờ của Chi cục Thủy sản được phân công trực ban đảm bảo 24/7. Công tác ngăn chặn và xử lý tàu cá vi phạm pháp luật trong khai thác thuỷ sản được thực hiện nghiêm. Ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cũng như công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản ngày càng được nâng lên.

Nghệ An: Không cho tàu cá chưa đủ các điều kiện theo quy định xuất lạch đi khai thác  - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp

Trong đó, số lượng tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép theo quy định còn nhiều, tỷ lệ đăng kiểm mới đạt 70,12%, tỷ lệ cấp phép mới đạt 89,87%; chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, còn 48 tàu cá, chiếm tỷ lệ 4,28%. Vẫn còn tàu cá không duy trì thiết bị giám sát hành trình 24/24h khi tham gia khai thác trên biển, đặc biệt là tàu cá mất kết nối trên 10 ngày. 6 tháng đầu năm 2023 có 325 lượt tàu mất kết nối. Kết quả xử lý chỉ ở mức nhắc nhở, viết cam kết không tái phạm, chưa xử phạt. Chưa ngăn chặn triệt để tàu cá vượt ranh giới vào vùng biển nước ngoài; 9 tháng đầu năm 2023 có 27 tàu cá vi phạm.

Mặt khác, công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng chưa chặt chẽ, tỉ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp và chưa đồng đều giữa các cảng cá; tình trạng tàu cá không cập cảng chỉ định theo quy định vẫn diễn ra. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An vẫn còn diễn ra như sử dụng xung điện, ngư cụ cấm, khai thác sai vùng.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo các kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời, chỉ ra một số vướng mắc, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguyên nhân thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu kết nối; một số tính năng của hệ thống giám sát chưa hoàn thiện để xác định được hành vi tháo thiết bị gửi các tàu khác; công tác quản lý tuần tra của lực lượng chức năng ở vùng biển giáp ranh với nước bạn còn hạn chế; công tác xác minh để xử lý tàu cá khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài còn gặp khó khăn.

Yêu cầu, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ dữ liệu tàu cá; đảm bảo số liệu phải chính xác, khớp, thống nhất với dữ liệu trên hệ thống quốc gia VNFishbase, hoàn thành trước 30/9/2023. Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, an toàn thực phẩm theo quy định. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển.

Nghệ An: Không cho tàu cá chưa đủ các điều kiện theo quy định xuất lạch đi khai thác  - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Đồng thời, rà soát, tổng hợp kết quả xử lý của các địa phương đối với tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển trên 10 ngày, báo cáo Cục Thủy sản (tập trung các tàu cá từ 24 mét trở lên mất kết nối trên 10 ngày theo thông báo của Cục Thủy sản tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 3 của EC đến nay). 

Chỉ đạo Ban quản lý cảng cá, Tổ Liên ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy định kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát 100% sản lượng tại thực địa; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên cập cảng. Tham mưu xây dựng kịch bản, kế hoạch chi tiết, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu cá ra, vào cửa lạch. Kiên quyết không cho tàu cá chưa đủ các điều kiện theo quy định xuất lạch đi khai thác hải sản. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Hệ thống phần mềm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Lực lượng liên ngành bao gồm Biên phòng, Chi cục Thủy sản tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và cửa lạch, đặc biệt thành lập các đoàn liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An. Các cơ quan, địa phương tập trung nguồn lực, rà soát, sắp xếp, cập nhật dữ liệu, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử đảm bảo khoa học, dễ truy xuất, cung cấp kịp thời theo yêu cầu của Đoàn.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.