Nghệ An “kích hoạt” các giải pháp ứng phó với mưa bão
Trước những tác động tiêu cực do mưa bão, lũ lụt gây ra, tỉnh Nghệ An đã đồng loạt “kích hoạt” các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
- Cựu chiến binh Sư Đoàn 320: Tình đồng đội luôn thổn thức không nguôi!
- Nghệ An vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới
- Nghệ An: Tăng cường kiểm tra, chủ động ứng phó với bão số 3 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại
- Nghệ An kỳ vọng đầu tư công “kéo” tăng trưởng đi lên
- Nghệ An: Bàn giao hai ngôi nhà “Đại đoàn kết” các cho gia đình cựu Thanh niên xung phong
Mới đây Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đã phát đi cảnh báo lũ trên các sông ở Nghệ An. Lũ trên các sông, suối có thể gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hình ảnh lúc12h ngày 22/7, trên địa bàn Nhôn Mai mưa lớn kéo dài xẩy ra tình trạng lũ quét gây thiệt hại lớn, Sạt lở cuốn trôi 3 nhà kiên cố. Lục lượng Bộ đội biên phòng Nhôn Mai đã cử 25 CBCS tham gia di dời tài sản cho nhân dân; cấp nước uống, mỳ tôm cho 65 người dân sơ tán thuộc bản Sói Voi, cử 2 tổ túc trực tại các điểm sạt lở không cho người qua lại để đảm bảo an toàn.
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Mùa mưa bão, lũ lụt luôn là khoảng thời gian đầy thách thức đối với các địa phương khu vực miền Trung, đặc biệt là tại tỉnh Nghệ An. Đối mặt với những hiểm hoạ nảy sinh như ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,… do mưa lớn liên tục trong những ngày qua, các cấp ngành, chính quyền, doanh nghiệp cùng với nhân dân tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các phương án phòng ngừa nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Riêng đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, để ứng phó với bão số 3 và thực hiện công điện hoả tốc của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng Thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Nghệ An, các đơn vị đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiều giải pháp, với phương châm không để bị động, bất ngờ, nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, nhân dân và tài sản có liên quan.

Ngay khi có tin bão số 3 ảnh hưởng đến Nghệ An, nhà thầu đã tạm dừng thi công trên Quốc lộ 46
Đơn cử như Công ty CP Vilaconic, có nhà máy sản xuất đóng tại phường Cửa Lò, nơi có hơn 500 cán bộ, công nhân viên đang làm việc. Trước thông tin cơn bão số 3, doanh nghiệp này đã chủ động lên phương án ứng phó, chủ động bố trí nhân lực kiểm tra lại toàn bộ hệ thống nhà xưởng, điện, thiết bị, vật tư… Đồng thời, tổ chức chằng chống, cắt tỉa cây xanh và di chuyển nguyên vật liệu đến nơi an toàn.
Trao đổi với PV Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vilaconic cho hay: Ưu tiên lớn nhất của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho người lao động. Do vậy, công ty đã chủ động đưa ra phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, tuỳ theo diễn biến tình hình của thời tiết để thông tin đến cán bộ, công nhân viên.
"Mặt khác, là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, nhựa PVC và các mặt hàng nông sản khác, Doanh nghiệp chúng tôi đã triển khai công tác đảm bảo an toàn cho các kho hàng, chủ động nguồn điện dự phòng, kiểm tra tất cả nguồn điện và hệ thống phòng cháy, chữa cháy… để duy trì hoạt động sản xuất một cách ổn định, không để xảy ra bất cứ thiệt hại nào về tài sản" – ông Nguyễn Hữu Duyên nói.
Tương tự, tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1, trước đó các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp này đã tạm dừng thi công các công trình nhà cao tầng cũng như đường giao thông nội bộ đi qua khu công nghiệp để đảm bảo an toàn cho người dân; tổ chức chằng chống các tháp cẩu thi công tại các nóc nhà cao tầng.
Còn tại Khu công nghiệp WHA I Nghệ An, do địa hình nền thấp và có hệ thống đê bao, mương thu gom nước riêng nên ngay sau khi có dự báo bão số 3 gây mưa lớn ảnh hưởng đến các nhà máy, Công ty CP WHA I Nghệ An liên tục kiểm tra, thử tải các máy bơm của khu công nghiệp; đồng thời, nhắc nhở các nhà thầu đang thi công công trình, nhà xưởng lớn tạm dừng thi công, chằng chống lại mái tôn.
Chủ động kiểm tra, hỗ trợ kịp thời
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An, tính đến 14h ngày 22/7/2025, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên ở vùng ven biển Nghệ An đã có gió mạnh cấp 4 – cấp 5, giật cấp 6 (13m/s); đêm qua và sáng sớm nay có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tính từ 19h ngày 21/7 – 7h ngày 22/7, phổ biến 50 – 100mm, có nơi trên 120mm.
Cũng trong sáng 22/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã phát đi cảnh báo lũ trên các sông ở Nghệ An. Lũ trên các sông, suối có thể gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.

các cấp chính quyền cùng người dân chủ động gia cố, chằng chéo tài sản, đảm bảo an toàn về con người nhằm giảm hạn chế tối đa thiệt hại.
Cụ thể, từ ngày 22/7 - 25/7/2025, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện 01 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 - 5m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Nghệ An.
Qua thu thập thông tin, vào 12h ngày 22/7, trên địa bàn xã Nhôn Mai, mưa lớn kéo dài, xảy ra tình trạng lũ quét gây thiệt hại lớn. Cụ thể, sạt lở đã cuốn trôi 3 nhà kiên cố, cuốn trôi 1 cầu Quân Dân bản Nhôn Mai (cầu do Đồn Biên phòng Nhôn Mai vận động xây dựng) trị giá 550 triệu đồng và 5 nhà có nguy cơ bị sạt lở cao. Đáng chú ý, Quốc lộ 16 đoạn chạy qua địa bàn xã cũng bị sạt lở nặng, các phương tiện giao thông không thể đi lại được…
Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã nhanh chóng cắt cử 25 cán bộ, chiến sỹ kịp thời tham gia di dời tài sản cho nhân dân; cấp nước uống, mỳ tôm cho 65 người dân sơ tán thuộc bản Sói Voi, cử 2 tổ túc trực tại các điểm sạt lở không cho người qua lại để đảm bảo an toàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Quân sự hỗ trợ người dân trên địa bàn.

Rào chắn cảnh báo điểm sạt lở nguy hiểm
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ do hoàn lưu bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Nhà nước; hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, hoàn lưu bão gây ra.
Được biết, trước đó từ ngày 20/7 – 21/7, liên tiếp có 5 đoàn công tác của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại một số địa bàn trọng điểm xung yếu. Ngoài ra, các sở, ngành khác cũng đã tổ chức kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 theo chức năng quản lý Nhà nước được giao.
Đảm bảo nguồn cung hàng hoá
Ở một diễn biến khác, liên quan đến việc triển khai công tác dự trữ, cung ứng hàng hoá ứng phó khẩn cấp với bão số 3, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết: Sở đã ban hành Công văn số 2027/SCT-QLTM ngày 21/7, đề nghị UBND các phường, xã, Chi cục Quản lý thị trường và các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ liên quan.
Cụ thể, Sở đã đề nghị UBND các phường, xã thường xuyên cập nhật tình hình cung cầu, giá cả, mạng lưới phân phối hàng hoá trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan truyền thông trên địa bàn thường xuyên cập nhật và thông tin về diễn biến cơn bão số 3 để người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó; đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các khu vực trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng thường xuyên, nặng nề và dễ bị chia cắt do mưa lũ; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan khảo sát nhu cầu tiêu dùng để xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hoá thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, nước sạch, xăng dầu… phù hợp với tình hình trên địa bàn, đảm bảo hợp lý, kịp thời và hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ động tăng cường năng lực sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Đặc biệt, UBND các phường, xã cần tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn có phương án kinh doanh, dự trữ hàng hoá thiết yếu, nhất là chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt để kịp thời cung ứng hàng hoá cho nhân dân. Đồng thời, chủ động kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo kho tàng, hàng hoá dự trữ; lực lượng phương tiện phục vụ ứng cứu kịp thời cho địa bàn khi bị chia cắt hoặc ảnh hưởng nặng nề do mưa, lũ…
Đối với Chi cục Quản lý thị trường, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề nghị thường xuyên bám sát diễn biến, tình hình thị trường; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trước, sau mùa mưa bão.
Riêng các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chủ động, sẵn sàng điều tiết nguồn hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu, kịp thời, hợp lý. Đồng thời, huy động các nguồn lực, phương tiện điều tiết hàng hoá từ các kho hàng trong trường hợp cần thiết đến các điểm bị chia cắt, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá, đảm bảo không để bị thiếu hàng, sốt giá ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong trường hợp xảy ra mưa, lũ.
Đặc biệt, các đơn vị cần chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo ổn định giá cả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh,… khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Thái Quảng - Hồng Quang
Từ cảng biển đến sân bay, Nghệ An đang từng bước chuyển mình đầy tích cực từ những hoạch định mang tầm chiến lược, hứa hẹn sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước…