Nghệ An: Kiến nghị cho phép tổ chức một số chuyến bay charter đến Cảng hàng không quốc tế Vinh

Đầu tư và Tiếp thị
10:23 PM 21/12/2022

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Nghệ An được tổ chức một số chuyến bay charter từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Vinh, qua đó thu hút thêm khách quốc tế vào Việt Nam.

Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Cùng tham gia chủ trì có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.

Nghệ An: Kiến nghị cho phép tổ chức một số chuyến bay charter đến Cảng hàng không quốc tế Vinh - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là 1 trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi mở cửa lại hoạt động du lịch, các bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động du lịch quốc tế vẫn khôi phục chậm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhiều thị trường khách quốc tế vẫn đóng băng, đường bay quốc tế bị gián đoạn.

Nghệ An: Kiến nghị cho phép tổ chức một số chuyến bay charter đến Cảng hàng không quốc tế Vinh - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Năm 2022, cả nước mới đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% mục tiêu đón 5 triệu lượt khách của năm 2022 và đây là con số rất nhỏ so với năng lực đón khách của Việt Nam. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Nguyên nhân khách quan là do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế, tình hình quốc tế phức tạp, chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Một số doanh nghiệp du lịch nhận định xu hướng của khách Âu chọn những điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân chủ quan là do chính sách visa chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả; việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài chưa được triển khai.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều thống nhất cho rằng, du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; nâng cao năng lực kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhằm phục hồi kinh tế và phục hồi phát triển ngành du lịch, trong năm 2022, Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng; nhiều hoạt động cho các đoàn Famtrip để xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch của Nghệ An.

Đến thời điểm này, Nghệ An đã đón 6,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 4,4 triệu khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch đạt trên 12.300 tỷ đồng, doanh thu thuần tuý từ du lịch đạt 5.600 tỷ đồng, hơn 502% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Nghệ An còn thấp, năm 2022 đạt 33.500 khách.

Nguyên nhân là sản phẩm du lịch của Nghệ An đối với khách quốc tế chưa có sự nổi bật, tiêu biểu; nguồn nhân lực du lịch phục vụ khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu; hạ tầng kết nối không thuận lợi; hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa được đầu tư thoả đáng.

Nhấn mạnh Nghệ An xác định đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp tối thiểu 10% vào GRDP của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới Nghệ An sẽ triển khai chiến lược phát triển du lịch của tỉnh một cách toàn diện, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch và kết hợp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối các điểm du lịch và tập trung thu hút đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho phát triển du lịch; Tập trung quảng bá thương hiệu, các điểm du lịch của Nghệ An cho du khách, thông qua môi trường số; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch thời gian tới.

Nghệ An đồng tình với kiến nghị xem xét kéo dài thời hạn lưu trú cho khách sử dụng visa du lịch; áp dụng visa du lịch dài hạn cho khách du lịch đến từ một số thị trường trọng điểm; quan tâm hỗ trợ các địa phương trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch đối với các thị trường quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Nghệ An được tổ chức một số chuyến bay charter từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Vinh, qua đó thu hút được thêm khách quốc tế vào Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu, hoàn thiện và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tình hình mới.

Nghệ An: Kiến nghị cho phép tổ chức một số chuyến bay charter đến Cảng hàng không quốc tế Vinh - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ

Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, phải thay đổi tư duy làm du lịch sau đại dịch Covid-19 theo tinh thần sáng tạo hơn, đổi mới hơn. Trong cách tiếp cận với du lịch thì phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không phải cái ta có.

Phát triển ngành du lịch những năm tới phải có đột phá, theo tinh thần của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08, trong đó phải chống tiêu cực trong việc cấp visa cho khách du lịch. Phát triển du lịch phải đặt tổng thể trong phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Phát triển du lịch gắn với kinh tế, văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc, lịch sử truyền thống của con người Việt Nam, gắn kết với quá trình chuyển đổi số, với sự phát triển mới...

Về các giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải gắn kết phát triển du lịch với hoạt động kinh tế - xã hội từng năm, trong giai đoạn; chú trọng du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh... Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà. Rà soát các quy định pháp luật, các chính sách để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về con người, cơ sở vật chất, phương thức, cách làm, cách tổ chức các tour, tuyến du lịch. Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch độc đáo, luôn luôn đổi mới; tăng cường quản lý môi trường, sinh thái du lịch; xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế; hình thành các nhóm hợp tác với các quốc gia, phát huy vai trò của các cơ quan đại diện tại nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phát triển du lịch xanh, bền vững. Các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, luôn luôn làm mới sản phẩm; tăng cường công tác truyền thông.

Vũ Bình (TH)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.