Nghệ An: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng hơn 20%

Địa phương
02:31 PM 30/06/2022

Theo Sở Công Thương Nghệ An, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 19,76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 21,48%, đạt 55% kế hoạch năm.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, như linh kiện điện thoại 6 tháng ước đạt 218,9 triệu USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2021; Hàng dệt may đạt 215 triệu USD, tăng 25,75%; Dăm gỗ đạt 122,8 triệu USD, tăng 31%; Giày dép các loại đạt 19 triệu USD, tăng gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2021; Hạt phụ gia nhựa đạt 16,3 triệu USD; Viên nén gỗ đạt 12,4 triệu USD, tăng 634%; Dăm gỗ đạt 105,5 triệu USD, tăng 27%; Đá các loại đạt 70 triệu USD, tăng 25%; Xăng dầu đạt 12 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nghệ An: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng hơn 20% - Ảnh 1.

Dệt may hiện nay là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu đạt cao trong 6 tháng đầu năm 2022.(Nhà máy may An Hưng tại huyện Yên Thành)

Thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng hiệu quả những thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó kim ngạch một số thị trường chủ yếu gồm: Trung Quốc ước đạt 256,3 triệu USD, Hàn Quốc đạt 141,8 triệu USD, Hồng Kông đạt 127,8 triệu USD, Hoa Kỳ đạt 109,3 triệu USD, Thụy Sỹ đạt 61,6 triệu USD,... Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm nay như: Sao Tome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Niger, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia,...

6 tháng đầu năm 2022 có trên 280 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm 178 doanh nghiệp nội tỉnh và 103 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An.

Theo thống kê, có 9 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD; 21 doanh nghiệp đạt mức kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên. Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tham gia hoạt động xuất khẩu thường xuyên và đạt kim ngạch khá (trên 30 triệu USD), cụ thể: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Merry & Luxshare Việt Nam và LUXSHARE - ICT (Nghệ An), Công ty cổ phần May Minh Anh Đô Lương, May Minh Anh - Kim Liên, Công ty TNHH Kido Vinh, Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam Vinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 cũng còn những khó khăn, thách thức như: Giá cước vận tải đang ở mức cao, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên vật liệu cũng không ngừng tăng do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Đối với hàng nông sản đi qua cửa khẩu biên giới phía Bắc sang Trung Quốc, thường xuyên gặp tình trạng tắc nghẽn khu vực cửa khẩu (cửa khẩu Kim Thành-Lào Cai, Móng Cái-Quảng Ninh,… gây tình trạng giao nhận hàng bị chậm trễ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Lào gặp rất nhiều khó khăn do sự mất giá liên tục của đồng Kíp. Tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến việc vận chuyển hàng sang Nga có sự thay đổi, không thể đi thẳng sang Nga mà phải chuyển tải qua các cảng thuộc châu Á.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, năm 2022, Nghệ An phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 2,35 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện ngành Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu và khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, tổ chức các đoàn kết nối giao thương,... nhằm tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, tránh phụ thuộc vào một thị trường để hạn chế rủi ro...

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
VDCA đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số VDCA đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính. Trong đó, VDCA đề xuất mức thuế suất 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số, giải trí số.