Nghệ An: Kinh tế quý I/2023 duy trì đà tăng trưởng trên các ngành, lĩnh vực
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) quý I ước đạt 7,75%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên các ngành, lĩnh vực.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang gặp nhiều biến động khó khăn tiêu cực, trong quý I, Nghệ An đạt được mức tăng trưởng 7,75% là một kết quả khá ấn tượng, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước (cả nước là 3,32%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 7,03% (riêng công nghiệp ước tăng 8,65%); khu vực dịch vụ ước tăng 10,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 0,91%.
Đóng góp vào kết quả tích cực tăng trưởng quý I của Nghệ An là nhờ một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù sản xuất công nghiệp vẫn đang chịu tác động tiêu cực nhiều mặt như đơn hàng ít, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào cao, đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu… Tuy nhiên, do cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn Nghệ An khá ổn định, không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 7,09%; lũy kế 3 tháng đầu năm ước tăng 5,81% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá như: bia các loại tăng 11,21%, xi măng tăng 12,42%, sữa chế biến tăng 6,32%, điện sản xuất tăng 30,76%, tôn Hoa Sen các loại tăng 7,79%...
Nghệ An cũng là địa phương có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp và cây trồng vụ Đông Xuân. Trong quý I/2023 chủ yếu tập trung cho việc thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông và đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Xuân. Tính đến ngày 10/3/2023, tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân toàn tỉnh ước đạt 151.542,49, tăng 0,3% ha so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, diện tích rừng trồng tập trung ước tăng 7,36%; tổng sản lượng thủy sản ước tăng 5,11%, so với cùng kỳ.
Sau thời gian bị ảnh hưởng vì COVID-19, cũng như chiến sự thế giới, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Nghệ An dần ổn định và có khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 8.350,4 tỷ đồng, tăng 22,69% so với cùng kỳ. Lũy kế quý I tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách du lịch ước đạt 1,9 triệu lượt bằng 181% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.460 tỷ đồng, bằng 306,7% so với cùng kỳ.
Trong công tác đối ngoại, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ba tháng đầu năm, đã tổ chức đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Trong quý I năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 32 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.454,1tỷ đồng; điều chỉnh 30 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 12 lượt dự án (tăng 330,5 tỷ đồng); tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 5.784,6 tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư trong KKT và các KCN có 06 dự án cấp mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.772,4 tỷ đồng (chiếm 18,8% về số lượng dự án và 87,5% về tổng vốn đầu tư). Có 437 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập 2.718 tỷ đồng. Có 319 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Nằm trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, thì Nghệ An cũng là địa phương khó tránh những ảnh hưởng chung.
Trong quý II, dự báo sẽ tiếp tục là những thách thức, khó khăn lớn của nền kinh tế. Đó là sự sụt giảm của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu. Tỉnh Nghệ An cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… cũng như phát huy những lợi thế của địa phương để duy trì mức tăng trưởng chung.
Vũ Thái QuảngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.