Nghệ An: Kinh tế - xã hội 9 tháng duy trì đà tăng trưởng
Sáng 26/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm phân tích, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, đầu tư công, cải cách hành chính 9 tháng năm 2023 và nhiệm vụ thời gian tới.
- Nghệ An: Không cho tàu cá chưa đủ các điều kiện theo quy định xuất lạch đi khai thác
- Nghệ An: Phấn đấu “bước thật mạnh, tiến thật xa” sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ.
- HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII thông qua nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 15
- Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 93 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh
Mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu được mùa, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng cao. Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng ước đạt 265.798,58 ha, bằng 98,33% so với cùng kỳ năm 2022, chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định. Tại thời điểm tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm 2022, tổng đàn trâu bò ước đạt 798.308 con, tăng 2,14%; tổng đàn lợn ước đạt 981.185 con, tăng 3,32%; tổng đàn gia cầm ước đạt 34.525 nghìn con, tăng 7,55%.
Trong đó, diện tích rừng trồng tập trung tháng 9 ước đạt 1.712 ha, tăng 9,18%; lũy kế diện tích trồng rừng tập trung 9 tháng ước đạt 15.692 ha, tăng 9,91% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước đạt 23.159 ha, tăng 6,82% cùng kỳ năm 2022.
Các địa phương, đơn vị tích cực triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong 9 tháng năm 2023 có 02 huyện (Đô Lương, Diễn Châu) đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương để bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn NTM.
Cùng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2023 ước tăng 11,37% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 3,32% so với tháng 8/2023. Lũy kế 9 tháng, IIP ước tăng 4,32%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 10.925,83 tỷ đồng, tăng 30,06% so với cùng kỳ năm 2022; luỹ kế 9 tháng năm 2023 ước đạt 87.180,67 tỷ đồng tăng 16,28% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 9 ước thực hiện 963 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng ước thực hiện 11.671 tỷ đồng, đạt 73,6% dự toán và bằng 77,48% so với cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2023 ước thực hiện 24.179 tỷ đồng, đạt 72,91% dự toán.
Ngoài ra, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Trong tháng 9 (đến ngày 21/9/2023), tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 06 dự án với tổng vốn đầu tư 7.294,3 tỷ đồng; điều chỉnh 04 lượt dự án, trong đó 01 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 12,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2023, tỉnh đã cấp mới cho 91 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 35.578,3 tỷ đồng; điều chỉnh 122 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 33 lượt dự án (tăng 6.221,4 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 41.799,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới tăng 13,7%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,9 lần.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong 9 tháng năm 2023, lần đầu tiên Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là hơn 1,2 tỷ USD.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia được chỉ đạo, triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Cũng trong 9 tháng năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh và Tổ công tác đầu tư công đã đi kiểm tra thực tế hiện trường 35 dự án; làm việc với 13 địa phương và một số chủ đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến ngày 20/9/2023, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân 4.979,365 tỷ đồng, đạt 47,04%KH, trong đó nguồn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 2.982,066 tỷ đồng, đạt 41,8% KH (kế hoạch năm 2023 đã giải ngân đạt 42,88%; kế hoạch năm 2022 kéo dài đã giải ngân đạt 37,89%). Có 41 cơ quan, đơn vị giải ngân đạt trên mức bình quân của tỉnh, trong đó có 30 đơn vị đạt trên 50%.
Công tác văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt. 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 39.106 người (đạt 95,49% kế hoạch), trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 9.210 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 12.800 người, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 17.096 người (đạt 117,9% kế hoạch). Tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định.
Dù đạt được nhiều kế quả khá tích cực, song một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp dự kiến sẽ không đạt kịch bản tăng trưởng đề ra. Thu ngân sách giảm so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu và so với cùng kỳ năm 2022. Tiến độ một số dự án công nghiệp trọng điểm chậm đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.
Ngọc TúTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.