Nghệ An: Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn
Tối 29/10, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), Báo Nhân dân phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2023).
- Nghệ An: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính
- Nghệ An: Xây dựng thị trấn Thanh Chương thành đô thị giàu đẹp, văn minh
- Nghệ An: Kinh tế - xã hội duy trì đà tăng trưởng ổn định
- Thị xã Thái Hòa - Điểm sáng vùng Tây Bắc Nghệ An
- Nhà báo Vũ Thái Quảng: Lan tỏa tinh thần vì cộng đồng từ những hoạt động thiện nguyện
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị.
Ngoài ra còn có sự tham gia của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân các liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, các nhân chứng lịch sử, cựu thanh niên xung phong, các lực lượng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Truông Bồn.
Tọa độ lửa Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) ở núi Thung Nưa với chiều dài khoảng 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, tiếp nối từ Quốc lộ 1A, giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), rồi một ngả rẽ về bến phà Linh Cảm (tỉnh Hà Tĩnh), một ngả đi về TP. Vinh, qua phà Bến Thủy vào Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).
Đây là huyết mạch giao thông để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Chỉ tính riêng năm 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, rocket.
Tại đây, tháng 10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của "Tiểu đội thép" đã anh dũng hy sinh, tạo nên khúc tráng ca "Truông Bồn bất tử". Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Truông Bồn đã ghi đậm những chiến công đánh Mỹ, những gian khổ, hy sinh của lớp lớp thanh niên xung phong, những người lấp hố bom, mở đường không biết mỏi, những người đứng giăng hàng làm "cọc tiêu sống" cho xe đi trong đêm tối.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: Chúng ta có mặt ở đây để làm sáng lên đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng lên chủ nghĩa yêu nước đã làm cho dân tộc ta trở nên bất diệt. Truông Bồn là biểu tượng sáng ngời của tinh thần Xô Viết, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sẽ còn nhiều giọt nước mắt nhỏ xuống đất này trong cảm thương, xúc động. Và mãi mãi, tấm gương các liệt sỹ Truông Bồn cho ta một thế đứng làm người cao đẹp, một lựa chọn sống cao cả.
"Tưởng nhớ các liệt sỹ Truông Bồn, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nước, thêm một lần chúng ta khẳng định nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, thêm một lần thấm thía lời dạy của Bác Hồ, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Ý dân là ý trời, làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành, làm trái ý nguyện của dân thì bại", Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng chia sẻ: Sự hy sinh lớn lao của những người con dũng cảm đã góp dòng máu đỏ, hiến dâng tuổi trẻ của mình vào những chiến công của quân và dân Nghệ An, vào chiến thắng của dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước. Những cái tên, những gương mặt của tuổi thanh xuân ấy đã hóa thân vào lịch sử, sẽ mãi mãi được đời sau tri ân, ghi nhớ.
Chương trình nghệ thuật "Truông Bồn - Dấu chân anh hùng" gồm màn trình diễn thực cảnh, có sự tham gia của chính người dân Truông Bồn, để họ tự kể câu chuyện lịch sử của chính mình. Đó là những ca khúc ca ngợi chiến thắng Truông Bồn, ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho hòa bình và tự do cho dân tộc. Tái hiện câu chuyện xúc động về nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài mượn chiếc balo của chiến sĩ Nguyễn Hữu Võ để về thăm nhà trước ngày diễn ra trận chiến, nhưng ý định này không bao giờ trở thành hiện thực, vì chị Nguyễn Thị Hoài sau đó đã hy sinh.
Đây cũng là lần đầu tiên Ban tổ chức kết hợp trình diễn sân khấu với công nghệ hiện đại mô tả những nét nổi bật của vùng đất Truông Bồn, cũng như nhấn mạnh sự tri ân, lòng biết ơn và tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Chương trình kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại, đặc biệt là những làn điệu dân ca, ví dặm đặc trưng của vùng đất miền Trung xứ Nghệ.
Tại Chương trình, Ban tổ chức đã trao 14 sổ tiết kiệm tặng thân nhân 13 gia đình liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn và nhân chứng lịch sử Trần Thị Thông; trao ủng hộ 50 căn nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỷ đồng để cùng tỉnh Nghệ An chung tay thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay, biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn. Trong đó, ngôi mộ tập thể 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng hy sinh tại nơi đây ngày 31 tháng 10 năm 1968, chứng tích hào hùng ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung trong lúc đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông.
Bên cạnh khu mộ của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, còn có nhà bia tuởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, nhà trưng bày truyền thống, tượng đài chiến thắng… Mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới Truông Bồn thắp hương, thăm viếng. Vào những ngày lễ, Tết có tới hàng ngàn lượt người hướng về nơi đây. Truông Bồn huyền thoại đã trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng.
Thái QuảngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.